Thứ 7, 23/11/2024, 10:24[GMT+7]

Nghề buôn tóc

Thứ 4, 24/04/2013 | 17:08:28
4,269 lượt xem
Phía xa, một người đàn bà mang khẩu trang, đi xe máy có gắn chiếc loa từ từ tiến đến. Tiếng loa nghe to hơn: “Ai bán tóc dài...”. Mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp họ trên những nẻo đường, những phiên chợ quê với câu rao quen thuộc: “Ai bán tóc dài, tóc rối đi”.

Những người làm nghề săn tóc.

Cũng là một “nghề”
“Cái răng, cái tóc là góc con người”. Những thứ đó được phụ nữ Việt coi trọng, là cái đẹp, cái duyên của người con gái mà trời ban cho. Nay nó cũng trở thành một loại hàng hóa kinh doanh, kiếm lời của những người làm nghề mua  tóc.

Mới hơn 5 giờ sáng, phiên chợ quê đã đông chật người. Thấp thoáng ngoài cổng có 5 - 6 người tay cầm lọn tóc nhỏ, xách túi, nhìn qua ai cũng biết họ làm nghề mua tóc. Cứ thấy ai có mái tóc dài, những tiếng chào hỏi lại rôm rả hẳn lên: “Tóc bán đi em ơi? Lại đây chị cắt đẹp cho…”. Người làm nghề này phải tinh mắt, chào hỏi thật khéo và phải tư vấn tốt mới có thể thuyết phục được khách hàng đồng ý cắt đi mái tóc dài của mình. Hơn hết những người đi mua tóc phải biết cắt tỉa sao cho sau khi cắt người bán tóc thấy hài lòng, mái tóc sau khi cắt trông vẫn hợp với khuôn mặt của chủ nhân.

Giá tóc phụ thuộc vào độ dài và trọng lượng của bộ tóc cắt ra. Tóc càng dài càng nặng thì càng được giá. Bình quân mỗi lạng tóc dài 25 cm trở lên giá khoảng 700.000 đồng. Chị Thanh (Thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương), 42 tuổi nhưng đã gắn bó với nghề gần chục năm, chia sẻ: “Cứ đến phiên chợ là tôi đứng mua ở đây còn những ngày khác thì đi loanh quanh khắp làng, khắp xóm để mua. Nghề buôn tóc cũng khá vất vả. Với chiếc xe máy và ít đồ nghề, tôi phải đi từ lúc trời bắt đầu sáng cho kịp các phiên chợ. Trưa ăn vội vàng bát cơm rồi lại đi thu mua tóc ở khắp nơi, về đến nhà trời cũng xẩm tối”. Đến giờ, chị thuộc từng ngõ ngách trong huyện và các huyện khác trong tỉnh.

Mái tóc - nỗi niềm…
Gần hết phiên chợ, hàng trăm lần tiếng rao vọng hỏi mà chẳng có ai đáp trả. Chỉ nghe vài tiếng cười khúc khích và ánh nhìn ngơ ngác của người đi mua hàng. Lúc sau, một cô bé chừng 12 – 13 tuổi có mái tóc dài ngang thắt lưng rón rén lại hỏi: “Cô ơi, nếu cháu cắt đến ngang vai thì được bao tiền ạ?”, giọng cô bé có vẻ ngượng ngùng. Vuốt mái tóc dày, đen nhánh chị Thanh nói “Tóc cháu vừa đen, vừa đẹp, cô mua đắt cho, nhưng mà phải cân lên mới biết được”.

Sau một hồi tư vấn, với chiếc kéo trên tay, trong phút chốc chị cắt xoẹt một cái. Mái tóc vừa dài vừa đẹp nhanh chóng được đặt lên cân mặc ánh mắt nuối tiếc của cô bé. “Chưa được 5 hoa đâu, nhưng tóc cháu đẹp cô trả cháu 400 ngàn nhé”. Cô bé tên Nguyễn Thị Thư, bố mất sớm, chỉ mình mẹ nuôi em và bà. Để có tiền nuôi em ăn học, mẹ phải đi làm thuê trên thành phố, thi thoảng gửi tiền về cho hai bà cháu. Hôm nay đến ngày phải đóng học phí mà mẹ vẫn chưa gửi tiền về, không còn cách nào cô theo bà lên chợ phiên bán tóc lấy tiền đóng học phí. Chứng kiến cảnh ấy, tôi không kìm nổi xúc động. Dẫu biết “cái răng cái tóc là góc con người” nhưng khi cuộc sống thiếu thốn thì cái “góc” ấy cũng trở thành hàng hóa trao đổi để trang trải cho cuộc sống thường ngày.

Người mua tóc không chỉ biết có tiền, đôi khi cầm kéo cắt đi mái tóc của các thiếu nữ họ cũng cảm thấy xót xa, cũng thấy mình tàn nhẫn. Nhưng chính họ cũng vì cuộc sống mưu sinh mà ngày ngày vẫn phải cùng cây kéo rong ruổi trên các nẻo đường tìm mua “nét duyên con gái”.

Tuyết Nhung

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa