Thứ 7, 23/11/2024, 10:57[GMT+7]

Chăm sóc sức khỏe người lao động Nhiều cải thiện nhưng vẫn khó khăn

Thứ 2, 29/04/2013 | 20:00:59
889 lượt xem
Sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự ổn định trong sản xuất, tăng năng suất lao động của mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động là việc cần thiết. Song không phải đơn vị sử dụng lao động nào cũng nhận thức rõ vấn đề này.

Kiểm tra thị lực cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt. Ảnh: Minh Đức

Những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe người lao động đã có nhiều cải thiện. Ngành y tế đã triển khai khá tốt các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ, giám sát môi trường lao động tại các doanh nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh.

 

Qua giám sát 5 năm gần đây (từ 2008-2012) tại 192 cơ sở sản xuất và cơ sở y tế của Khoa Y tế lao động, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh, nếu như năm 2008 có 30 cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thì đến năm 2012, số cơ sở tổ chức khám sức khỏe cho người lao động đã tăng lên 50 cơ sở; tổng số công nhân được khám sức khỏe định kỳ cũng tăng từ 45% (năm 2008) lên 61,7% (năm 2012); có 26 cơ sở sản xuất có nguy cơ bệnh nghề nghiệp đang được quản lý.

 

Cùng với việc tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, vấn đề đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ thực hiện công tác này cũng được đầu tư. Trong 5 năm, ngành y tế đã tổ chức đào tạo, tập huấn về giám sát môi trường lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho 1.800 lượt cán bộ tại 425 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế; tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động cho 1.590 học viên của 299 cơ sở. Đặc biệt, tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, bước đầu đã có sự đầu tư cho y tế cơ sở hoạt động. Phần lớn các cơ sở đã thành lập phòng y tế. Đến năm 2012, 16 cơ sở có trạm y tế; có 3.336 cán bộ y tế đang được làm việc tại các đơn vị sản xuất kinh doanh trong số này có 8 bác sỹ, 46 y sỹ, 15 y tá.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động và việc bảo đảm các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù đã thành lập được 2 phòng khám bệnh nghề nghiệp, song tại tuyến tỉnh còn thiếu một số trang thiết bị phục vụ khám chẩn đoán bệnh nghề nghiệp và giám sát môi trường lao động, một số thiết bị đã cũ chưa được thay thế, cán bộ chuyên môn chưa đủ chuyên sâu. Tuyến huyện thiếu nhân lực, cán bộ chưa được đào tạo chuyên môn nên hoạt động triển khai còn hạn chế; chưa có trang thiết bị đánh giá môi trường lao động; thiếu kinh phí để triển khai các hoạt động; việc phối hợp giữa các ban ngành còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa hợp tác tuân thủ quy định về an toàn lao động, từ chối báo cáo thông tin an toàn lao động, nhân lực. Việc bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Qua giám sát môi trường lao động tại cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh năm 2012, tại nhiều cơ sở sản xuất,  các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, hơi khí độc, vi khuẩn vi sinh vật không đạt so với yêu cầu. Qua kiểm tra sức khỏe người lao động, có khoảng 20% người lao động có sức khỏe loại 3 và 10% người lao động có sức khỏe loại 4 và loại 5; qua khám bệnh nghề nghiệp, có khoảng hơn 6% người lao động mắc viêm gan virus nghề nghiệp.

 

Đặc biệt, một trong những vấn đề đang có nhiều lo ngại hiện nay là việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Tháng 3/2013, khi vừa sang hè và đang trong dịp tuần lễ An toàn vệ sinh lao động, vụ ngộ độc thực phẩm đông người đã xảy ra tại một công ty sản xuất tại Khu Công nghiệp Tiền Hải làm gần 100 công nhân phải nhập viện điều trị. Quá trình kiểm tra cho thấy các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà ăn của công ty này không bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là một trong những yếu tố cơ bản dẫn đến ô nhiễm thực phẩm gây nên vụ ngộ độc thực phẩm nói trên.

 

Tháng 8/2012, một vụ ngộ độc thực phẩm đông người cũng xảy ra đối với các công nhân tại Khu công nghiệp Phúc Khánh (Thành phố Thái Bình). Cũng do ăn trưa tại công ty mà hàng trăm công nhân đã bị ngộ độc thực phẩm, có gần 200 công nhân phải nhập viện điều trị. Theo báo cáo của ngành y tế, những năm gần đây, phần lớn số vụ ngộ độc thực phẩm đông người đều nằm trong các bữa ăn của công nhân tại các công ty sản xuất, kinh doanh.

 

Sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự ổn định trong sản xuất, tăng năng suất lao động của mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động là việc cần thiết. Song không phải đơn vị sử dụng lao động nào cũng nhận thức rõ vấn đề này. Thực hiện mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người lao động, một số nhiệm vụ cơ bản đã được ngành y tế đặt ra như: đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn; đầu kinh phí, trang thiết bị để triển khai các hoạt động an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cả tuyến tỉnh và tuyến huyện; mở rộng triển khai các dự án về các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, nhân viên y tế, nông nghiệp và làng nghề, phòng chống tai nạn thương tích... Tuy nhiên, có thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động hay không lại không phụ thuộc vào ngành y tế mà phụ thuộc vào mỗi đơn vị sử dụng lao động. Bởi vậy, hoạt động này cần sự quan tâm của các cấp, các ngành; trong đó việc tuyên truyền, vận động để mỗi đơn vị sử dụng lao động tự giác tham gia, có thái độ hợp tác tích cực trong chăm sóc sức khỏe cho người lao động là điều cần thiết.

Trần Thu Hương

 

 

 

  • Từ khóa