Thứ 7, 23/11/2024, 23:54[GMT+7]

Thái Bình: Thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ Gạc Ma

Thứ 7, 11/03/2023 | 11:02:14
3,439 lượt xem
Ngày 10.3, phóng viên thường trú Báo Lao Động tại tỉnh Thái Bình và đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hưng Hà đã tìm về nhà thắp hương kính viếng anh linh liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm (ở thôn Phú Hội, xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà), thăm hỏi sức khỏe và trao tặng quà của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng đến thân nhân liệt sĩ.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình thay mặt Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng trao quà cho vợ, con liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm. Ảnh: Trung Du

Sự biết ơn, lòng tự hào

Liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1955) là 1 trong 8 liệt sĩ quê ở tỉnh Thái Bình, trên tổng số 64 liệt sĩ trong cả nước đã anh dũng hy sinh xương máu trong trận chiến tại đảo Gạc Ma cách đây 35 năm (ngày 14.3.1988).

Chị Nguyễn Thị Minh Hà (41 tuổi, hiện trú tại TP.Thái Bình) - giáo viên môn Hóa học giảng dạy tại Trường THPT Vũ Tiên (huyện Vũ Thư) là con gái cả của liệt sĩ Tâm.

Hôm qua (10.3), đoàn chúng tôi về thăm ngôi nhà chị ở thôn Phú Hội, xã Dân Chủ - nơi bà Phan Thị Quy (65 tuổi) - mẹ chị Hà, vợ của liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm hàng ngày sinh sống, hương khói cho chồng.

Suốt quãng đường gần 30km từ TP.Thái Bình về xã Dân Chủ, chúng tôi được chị Hà kể lại những câu chuyện, kỷ niệm về bố chị - liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm với tất cả sự biết ơn, lòng tự hào, xúc động.

Ngôi nhà tình nghĩa

Ngôi nhà tình nghĩa Quân chủng Hải quân hỗ trợ kinh phí tặng thân nhân liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm. Ảnh: Trung Du

Liệt sĩ Tâm sinh ra trong gia đình đông con nhưng rất hiếu học. Sau khi học hết cấp 3, liệt sĩ tham gia quân ngũ, rồi làm trợ giáo trong trường kỹ thuật công binh. Dù được nhà trường giữ lại để học lên cao hơn nhưng nguyện vọng của liệt sĩ Tâm sau khi xuất ngũ sẽ lựa chọn con đường thi đại học.

"Bố tôi thi và đỗ trường Đại học Xây dựng, chuyên ngành Cầu cảng. Ông với vai trò kỹ sư xây dựng công binh đã cùng đồng nghiệp, đồng đội xây dựng các công trình cầu cảng ở Quán Toan, Hải Phòng. Sau đó, bố tôi vào công tác tại Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân ở Sơn Trà, Đà Nẵng" - chị Hà nhớ lại.

Những câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm khiến ai nấy trong đoàn đều cảm phục, xúc động, quãng đường như được rút ngắn lại, chẳng mấy chốc chúng tôi đã về ngôi nhà của liệt sĩ ở thôn Phú Hội (làng Đan Hội cũ, xã Dân Chủ).

Thấm thoát đã 35 năm trôi qua

Bà Phan Thị Quy đón chúng tôi vào ngôi nhà khang trang xây dựng từ năm 2009 - ngôi nhà tình nghĩa được Quân chủng Hải quân hỗ trợ 50 triệu đồng kinh phí xây dựng, nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam và kinh phí do mẹ con bà dành dụm, vay mượn thêm.

Sau khi thắp nén tâm hương kính viếng anh linh liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, thăm hỏi sức khỏe, trao quà động viên bà Quy, chúng tôi đã cùng mẹ con bà ôn lại những câu chuyện, kỷ niệm liên quan đến liệt sĩ Tâm - người chồng, cha tuyệt vời của họ.

Vừa chuyện trò, bà Quy vừa lục lại cho chúng tôi xem những kỷ vật của liệt sĩ Tâm còn sót lại mà bà nâng niu, gìn giữ mỗi ngày. Từ chiếc đài cũ, đồng hồ đeo tay Liên Xô cũ, đến bộ quần áo hải quân, chiếc khăn mặt mà chồng bà vẫn sử dụng hàng ngày lúc sinh thời. Những kỷ vật ấy được đơn vị công tác của liệt sĩ Tâm ở Đà Nẵng trao trả lại cho gia đình.

Những kỷ vật của người chồng liệt sỹ được bà Quy nâng niu, gìn giữ hàng ngày. Ảnh: Trung DuNhững kỷ vật của người chồng liệt sỹ được bà Quy nâng niu, gìn giữ hàng ngày. Ảnh: Trung Du

Những kỷ vật của người chồng liệt sỹ được bà Quy nâng niu, gìn giữ hàng ngày. Ảnh: Trung Du

Những kỷ vật của người chồng liệt sĩ được bà Quy nâng niu, gìn giữ hàng ngày. Ảnh: Trung Du

"Năm đó là ngày 14.3 dương lịch, ngày 27.1 âm lịch, tôi đang dạy học ở trường thì nghe đài đọc danh sách 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Đến người thứ 53, tôi ngã gục, ngất xỉu khi tên anh ấy vang lên. Vậy mà, thấm thoát đã 35 năm trôi qua. Lúc đó, con gái lớn lên 6 tuổi, con gái út mới 3 tuổi, còn tôi vừa tròn 30 tuổi..." - bà Quy nghẹn ngào.

Theo bà Quy, sinh thời, trong tất cả những bức thư gửi về cho gia đình, liệt sĩ Tâm luôn luôn dặn dò bà phải nuôi dạy các con ăn học nên người, dù khó khăn vất vả đến đâu.

"Nay cháu đầu làm giáo viên cấp 3, chồng cháu làm giảng viên Đại học Y Thái Bình. Cháu út thì lấy chồng, làm ngân hàng ở Hà Nội, chắc anh ấy nơi chín suối cũng tạm yên lòng. Thay mặt gia đình, tôi xin chân thành cảm ơn Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, tổ chức Công đoàn và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã luôn luôn quan tâm, chia sẻ, động viên gia đình trong những năm đã qua" - bà Quy vui mừng nói.

Đoàn thăm hỏi, tặng quà thân nhân liệt sỹ Trần Văn Chức. Ảnh: Trung Du

Đoàn thăm hỏi, tặng quà thân nhân liệt sĩ Trần Văn Chức. Ảnh: Trung Du

Cùng ngày 10.3, phóng viên thường trú Báo Lao Động và đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Hưng Hà, lãnh đạo UBND xã Canh Tân cũng đã đến thắp hương kính viếng anh linh liệt sĩ Trần Văn Chức (ở xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), đồng thời trao tặng thân nhân liệt sĩ số tiền 3 triệu đồng từ Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng.

Trong dịp này, tại tỉnh Thái Bình, đại diện Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng sẽ tiếp tục thăm hỏi, trao quà với số tiền 3 triệu đồng mỗi suất cho thân nhân 6 gia đình liệt sĩ khác đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 (gồm 3 liệt sĩ quê ở huyện Thái Thụy và 3 liệt sĩ quê ở các huyện Tiền Hải, Đông Hưng và Kiến Xương).

Theo laodong.vn