Chủ nhật, 17/11/2024, 14:29[GMT+7]

Nặng lòng cùng nghề báo

Thứ 6, 16/06/2023 | 10:38:28
3,417 lượt xem

Báo chí với tôi 60 năm qua như cơm ăn nước uống mỗi ngày, kể từ khi lao động ở quê, 9 năm bộ đội, 30 năm công tác và 17 năm nghỉ hưu.

Báo nào tôi cũng trân trọng nhưng tùy thuộc điều kiện mà tôi có cơ hội tiếp xúc với mỗi báo; đọc, tiếp thu và suy ngẫm để vận dụng vào đời sống. Mấy chục năm rồi tôi luôn duy trì thói quen lưu giữ những bài viết hay mà tôi đọc được, trong đó có nhiều bài viết trên Báo Đại đoàn kết và Báo Thái Bình.

Có thể nói, từ báo in, báo nói tới báo hình, hàng ngày tôi được đọc, được nghe, được xem, được hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, phấn khởi với thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, của phát triển hệ thống giao thông liên kết vùng, miền. Sự phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Thái Bình. Tôi trân trọng tinh túy mà các báo đã chắt gạn đưa lại cho đời, cho tôi, có thể nói là vô giá! Không chỉ phản ánh, chỉ dẫn, khuyến khích, động viên mà cả phản biện, phê phán, lên án để định hướng cho toàn xã hội.

Không được đào tạo chính quy, bài bản nhưng học ở đời, ở đồng đội, học ở báo chí nên tôi đã làm tốt công việc được giao; đã mạnh dạn viết, cộng tác với nhiều báo, được đón nhận và giao lưu với nhiều bạn đọc.

Báo chí đã cho tôi năng lượng để làm việc, để sống và báo đã dạy cho tôi viết, được bạn đọc và quê hương, đồng đội đón nhận.



Vũ Hồng Thái

( Thành phố Thái Bình)


Luận văn tốt nghiệp đại học báo chí của tôi là đề tài điều tra. Năm 1986, chúng tôi được nghỉ hè năm thứ nhất. Trở về Thái Nguyên (trước đây là tỉnh Bắc Thái), tôi nhận được đề nghị của Báo Lao động đề nghị điều tra một đại hội công đoàn ở mỏ than X. Từ đơn thư nhận được của công nhân, Báo Lao động thấy đây là đại hội rất không bình thường. Bởi lẽ, ngay trong đại hội, chủ tịch công đoàn là người có uy tín, có năng lực nhưng quyết liệt đấu tranh với giám đốc xí nghiệp nên người ta muốn loại bỏ. Tại đại hội, đương nhiệm chủ tịch công đoàn không được ngồi đoàn chủ tịch và cũng không có tên trong danh sách bầu cử, mặc dù không hề bị kỷ luật và nhận được nhiều nhất phiếu tín nhiệm của công nhân.

Lên mỏ than X, tôi gặp gỡ những người tham dự đại hội, gặp giám đốc, ông ta nói chủ tịch công đoàn khóa trước không đủ uy tín. Gặp một số công nhân, ai cũng nói ngược lại. Có người còn kể câu chuyện khôi hài là có một công nhân thách đố nhau nếu ứng cử mà trúng thì mất một bao thuốc lá và anh công nhân đã trúng ban chấp hành. Khi bài báo đăng trên Báo Lao động, ngay lập tức lãnh đạo mỏ X viết đơn phản đối. Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tổ chức đối thoại pháp lý về nội dung bài báo, với sự tham gia của Ban biên tập Báo Lao động, tác giả và Tổng công ty mỏ than, tại mỏ than X. Đêm trước trở lại Thái Nguyên, tôi đến chào Tổng biên tập Báo Bắc Thái Phạm Hồng Dương. Ông khuyên tôi không nên đến dự, cứ để Báo Lao động dự, đề phòng người ta cho người ném đá vào tôi. Tôi trả lời: Nếu họ cho người ném đá, công nhân mỏ than sẽ là lá chắn bảo vệ tôi, anh không lo. Cuộc đối thoại pháp lý kéo dài đến 12 giờ trưa mới kết thúc, có 8 ý kiến phát biểu, 3 người do chỉ đạo của giám đốc, họ viết sẵn bài lên đọc, tất nhiên người ta phản đối bài báo. Có 5 công nhân giơ tay xin phát biểu đều đánh giá cao nội dung bài báo và đều khẳng định bài báo nói chưa hết, chưa điều tra hết những tiêu cực ở mỏ. Một bác công nhân già lên phát biểu, trước khi có ý kiến, bác quay xuống hàng ghế đại biểu chắp tay nói: Tôi không biết ai là tác giả bài báo, thay mặt toàn thể công nhân xin anh nhận ở tôi một lạy, anh đã đứng về phía chính nghĩa, để nói lên sự thật đang diễn ra ở đây, rất nhức nhối mà chúng tôi không biết kêu ở đâu được. Sau đó, để rộng đường dư luận, Báo Lao động lược ghi toàn bộ cuộc đối thoại pháp lý ở mỏ than X.

Lần khác, tôi viết bài biểu dương một cán bộ thuế của thành phố Thái Nguyên, anh ấy là thương binh, là đại biểu duy nhất của ngành thuế dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Báo Quân đội nhân dân vừa đăng thì nhận được đơn khiếu kiện từ ngành thuế, họ đưa cả quyết định cho anh này đi liên hệ công tác, nếu sau 3 tháng không tìm được việc thì cho thôi việc, vì cho rằng anh ta để nhiều cán bộ dưới quyền vi phạm kỷ luật. Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho người vào Trường báo chí mời tôi ra tòa soạn. Ông Mân nhận định: Đây là vấn đề nội bộ, có dấu hiệu trù dập. Ông dặn tôi trở lại Thái Nguyên, thu thập tài liệu thanh tra của tất cả các huyện còn lại của Thái Nguyên. Tối đó, vừa đặt chân đến thành phố Thái Nguyên, tôi gặp Chánh Thanh tra, nhờ anh vào cơ quan lấy hết tài liệu thanh tra, anh này cũng đang bị Cục trưởng trù úm nhưng ngại là vào buổi tối không tiện, anh nói để sáng mai; tôi nói nếu để mai thì không lấy được nữa. Nghe vậy anh ta mới vào lấy, photo xong tôi đưa anh trả về chỗ cũ. Đúng như tôi nhận định, sáng hôm sau Cục trưởng đến yêu cầu niêm phong tủ tài liệu thanh tra. Nghiên cứu số tài liệu có trong tay, thấy thiếu huyện Đại Từ, tôi nhờ người chở lên Chi cục thuế, làm việc với Chi cục trưởng xong, tôi ra về, anh ta mời ăn cơm, tôi không ăn; khi bước ra sân tôi có cảm giác gáy nóng ran, chắc họ đang nhìn tôi. Về nhà tôi viết bài “Ngành thuế Bắc Thái (Thái Nguyên) - nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật vì sao không xử lý, trách nhiệm thuộc về ai?”. Hôm tôi về Thái Nguyên làm điều tra họ truy tìm xem tôi nghỉ ở đâu, biết nhà tôi ở Thái Nguyên, vợ con ở đấy, họ bắn tin sẽ đốt nhà nếu tôi viết bài. Kể với Bí thư Thành ủy, anh ấy nói: Họ dọa là không dám làm, nếu họ đốt nhà, thành phố sẽ xây nhà mới cho anh. Những chuyến đi làm điều tra như thế đã không được ăn chiêu đãi, cũng chẳng có phong bì, lại nguy hiểm đến tính mạng, vợ con gia đình.

Về Báo Thái Bình, với lòng yêu nghề, tôi vẫn tiếp tục công việc nhọc nhằn ấy. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm khi ở thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) có chuyện Chủ tịch thị trấn xé đơn của công dân vứt vào sọt rác, tôi về điều tra, báo đăng, trẻ con mua báo ở bưu điện đem photo bán dọc thị trấn. Về xã Thụy Hải, mấy ông xe ôm ở ngã tư Diêm Điền gọi điện lên tòa soạn cảm ơn Báo Thái Bình đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực. Những bài điều tra ra đời từ nhiều nguồn thông tin: đơn thư của bạn đọc, lắng nghe từ cuộc sống… Điều quan trọng là nhà báo phải có được sự tin cậy của công dân, họ mới giao tài liệu chứng cứ cho. Bởi có những nội dung là sinh mệnh, là quyền lợi của họ, lộ thông tin người viết đơn họ sẽ gặp nguy hiểm.
Viết điều tra vất vả, quyền lợi ít và nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì uy tín của tờ báo, vì lương tâm nghề nghiệp, vì trách nhiệm xã hội… nhà báo vẫn dấn thân. Bởi cái nghề đã chọn ta rồi.

Việt Hải
(Thành phố Thái Bình)