Thứ 7, 16/11/2024, 05:01[GMT+7]

Nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị

Thứ 5, 29/02/2024 | 15:56:44
15,897 lượt xem
Những năm qua, song song với công tác chăm lo đời sống cho người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh đã chú trọng triển khai các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị, giúp họ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tẩm quất là nghề mũi nhọn của người khiếm thị, giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Để nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho hội viên khiếm thị, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù (Hội Người mù Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị từ tháng 1/2024. Lớp tập huấn diễn ra trong 3 tháng với 72 buổi học.

Là 1 trong 16 học viên tham gia lớp tập huấn, chị Bùi Thị Khuyên, kỹ thuật viên cơ sở dịch vụ tẩm quất Hội Người mù tỉnh cho biết: Đây là lần thứ hai tôi được tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị. Ban đầu khi tham gia lớp tập huấn, tôi cảm thấy bỡ ngỡ và không nghĩ mình sẽ làm được. Nhưng được sự động viên từ phía gia đình, các cán bộ, học viên trong Hội, đặc biệt là sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của giáo viên, tôi đã tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn và nâng cao được các kỹ năng cần thiết về nghề tẩm quất. Từ đó, tôi làm nghề đỡ mất sức hơn, khách hàng nhiều hơn. Nếu như trước đây, thu nhập của tôi chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng thì hiện tại đã tăng lên 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Học viên tham gia lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất tại Hội Người mù tỉnh.

Cũng giống như chị Khuyên, anh Phạm Văn Mười, kỹ thuật viên cơ sở dịch vụ tẩm quất Hội Người mù huyện Thái Thụy bày tỏ niềm vui mừng khi được các cấp hội người mù quan tâm, tạo điều kiện để được học và nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất. 

Anh Mười chia sẻ: Tôi thấy lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất do Hội Người mù tỉnh tổ chức thực sự rất thiết thực và ý nghĩa. Ngoài việc được nâng cao kiến thức, kỹ năng, chúng tôi có thể thoải mái chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi làm nghề. Tôi tin tưởng rằng, sau lớp tập huấn, tay nghề của tôi sẽ được nâng lên, thu nhập sẽ cải thiện đáng kể.

Anh Bùi Ngọc Săng, Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù chia sẻ: Bản thân tôi cũng là người khiếm thị nên rất hiểu những thuận lợi, khó khăn của các học viên khi làm nghề tẩm quất, từ đó có thể dễ dàng chia sẻ, hướng dẫn các kỹ năng cho họ. Do trình độ của các học viên khác nhau, có người đã làm nghề lâu năm, có người mới bắt đầu vào nghề nên trong quá trình giảng dạy, tôi sẽ nhắc lại những kiến thức cơ bản của nghề tẩm quất để tất cả học viên cùng ôn lại, cùng hiểu và thực hành những kỹ năng mới. Các học viên đều rất chăm chỉ, hào hứng, say mê nên không khí lớp học rất sôi nổi, hiệu quả học tập cũng cao hơn.

Tẩm quất được đánh giá là nghề mũi nhọn của người khiếm thị. Toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở dịch vụ tẩm quất do các cấp hội người mù quản lý và hội viên làm chủ, tạo việc làm thường xuyên cho 350 người khiếm thị. Những năm qua, các cấp hội người mù trong tỉnh đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, không ngừng đổi mới phương thức quản lý, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, bảo đảm cho người khiếm thị có việc làm, thu nhập ổn định. Từ năm 2018 đến nay, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị, mỗi lớp diễn ra từ 1,5 - 3 tháng. Tham gia lớp tập huấn, học viên sẽ được phổ biến các kỹ thuật mới như: sử dụng lực thân trong xoa bóp, bấm huyệt, kỹ thuật trị liệu, quy trình thăm khám, điều trị một số chứng bệnh như: Liệt mặt, liệt nửa người, đau dây thần kinh tọa... Ngoài ra, các học viên còn được nâng cao kỹ năng quản lý; kỹ năng truyền thông (quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu...).

Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết thêm: Hiện nay, cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội, các cơ sở dịch vụ tẩm quất của người mắt sáng xuất hiện ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người khiếm thị. Chính vì thế, việc nâng cao các kỹ năng về nghề tẩm quất cho người khiếm thị là thực sự rất cần thiết để tăng tính cạnh tranh, bảo đảm việc làm ổn định, bền vững cho người khiếm thị. Tuy nhiên hiện nay, do phụ thuộc kinh phí xã hội hóa nên chưa tổ chức được nhiều lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị. Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tài trợ kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để mở thêm nhiều lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề tẩm quất cho người khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh và các huyện. Từ đó giảm bớt khó khăn cho người khiếm thị trong việc di chuyển, giúp người khiếm thị khẳng định bản thân, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Thu Hoài