Thứ 6, 15/11/2024, 20:50[GMT+7]

Bóng mẹ gầy tạc dáng hình đất nước

Thứ 3, 30/04/2024 | 08:21:17
6,283 lượt xem
Như một duyên lành đưa tôi đến con ngõ nhỏ thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông (Hưng Hà) dẫn vào ngôi nhà mái bằng khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Ngòi, vợ liệt sĩ Ngô Gia Bảo, cán bộ Công an tỉnh Thái Bình chi viện cho an ninh miền Nam, hy sinh khi tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong làn khói hương mờ tỏ, trên bức tường vôi trắng, những tấm bằng Tổ quốc ghi công, bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng... theo lời kể của bà Ngòi như dắt lối câu chuyện về một gia đình đặc biệt hòa mình qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Ngòi bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Ngô Gia Bảo.

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Dưới mái nhà tranh trong thôn Ngũ Đông, người mẹ tảo tần lam lũ Khương Thị Kẹo sinh được 7 người con, đến tuổi trưởng thành lần lượt 3 người con trai tình nguyện gia nhập quân đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1953, liệt sĩ Ngô Văn Chút, người anh cả mãi gửi lại tuổi đôi mươi trên chiến trường Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Người anh thứ hai, Ngô Văn Chanh hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt năm 1968 bị địch ném xác xuống biển. Đến nay, gia đình, họ hàng cũng không biết chính xác các anh ngã xuống ở đâu, phần mộ nơi nào trên quê hương, đất nước mênh mông.

Trong tâm trí của bà Ngòi, mỗi lần hồi tưởng về chồng mình lại vẹn nguyên hình ảnh người chiến sĩ an ninh to cao, vui tính với nụ cười luôn thường trực trên môi. Năm 1963, bà Ngòi và ông Ngô Gia Bảo lập gia đình, lần lượt 3 người con ra đời. Nguyên là chiến sĩ quân đội giải ngũ, năm 1965 trước yêu cầu công tác, ông Ngô Gia Bảo đã gia nhập lực lượng Công an Thái Bình. Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Ngô Gia Bảo trong đội hình của Công an Thái Bình tình nguyện lên đường chi viện cho an ninh miền Nam. Vì bí mật công tác, ngày lên đường, ông Bảo chỉ kịp để lại vài lời dặn dò với người vợ trẻ và 3 con thơ hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về. Người ở hậu phương mong ngóng từng phút giây đoàn tụ nhưng đâu biết trong trận chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, chiến sĩ công an Ngô Gia Bảo hy sinh cùng đồng đội và dân thường khi máy bay địch bỏ bom trúng hầm trú ẩn. Một đêm năm 1974, trong ngôi nhà tranh vách đất, tiếng khóc xé lòng của người góa phụ và đàn con thơ khi nhận giấy báo tử cùng vài ba vật dụng cá nhân của liệt sĩ Ngô Gia Bảo được đồng đội đưa về. Nhà thưa vắng bóng đàn ông, bà Ngòi cũng như bao người phụ nữ ở hậu phương khác lại cất kỹ nỗi đau mất mát trong lòng để lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái trưởng thành qua gian khó...

Bà Nguyễn Thị Ngòi luôn nhận được sự quan tâm động viên của gia đình và các đoàn thể.

Vào khoảng năm 1980, nhà thơ Tạ Hữu Yên về miền quê lúa Thái Bình đi thực tế để viết về các đội du kích và đại đội nữ dân quân pháo cao xạ 37mm huyện Tiền Hải. Trong chuyến đi này, nhà thơ đã về huyện Hưng Hà thăm những bà mẹ liệt sĩ tiêu biểu. Hưng Hà là quê hương của nhà bác học Lê Quý Đôn, có đền thờ Bát Nạn tướng quân, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Nhưng Bát Nạn tướng quân thì ra trận, còn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, có những bà mẹ không ra chiến tuyến nhưng lại sinh được ba người con trai, lần lượt tiễn con đi đánh giặc, rồi lần lượt nhận tin con hy sinh. Trong đôi mắt đã cạn khô dòng lệ, nỗi đau lặn vào trong như mẹ chưa từng khóc bao giờ. Câu chuyện về mẹ Kẹo, bà Ngòi để lại ấn tượng mạnh trong lòng tác giả, tiếng đàn bầu không dồn dập mà khoan nhặt như giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên mới xoa dịu được nỗi đau của mẹ đã thành “tứ” của bài thơ. Nhưng nếu viết thành thơ: ba lần tiễn con đi, ba lần khóc thầm lặng lẽ, thì nỗi đau lớn quá, hẳn không ai chịu nổi. Nên nhà thơ viết chỉ có hai anh hy sinh thôi, còn một anh sẽ trở về với mẹ, trở về trong tâm linh, bằng tiếng gió xào xạc của đêm thâu:

“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu 

Nghe dịu nỗi đau của mẹ 

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ 

Các anh không về, mình mẹ lặng im...”

Thay lời tri ân

Hình ảnh người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước được nhà thơ miêu tả bằng “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”. Lúc đầu bài thơ dài đến 40 câu, lấy tên là “Đất nước”, đọc cho một số bạn thơ nghe, ai cũng thích và bảo nếu viết về người mẹ Việt Nam thì tác giả nên gửi cho Vĩnh Phú (nay là hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc), nơi đất Tổ của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Thế là bài thơ “Đất nước” được Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú đăng đầu tiên. Sau đó cuối năm 1984, bài thơ được Báo Sài Gòn giải phóng đăng, ngôn từ trong sáng và giàu tính nhạc của bài thơ đã ám ảnh khôn nguôi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Đặc biệt tình tiết “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im...” như khắc vào tâm khảm của người nhạc sĩ một nỗi day dứt khó gọi tên. Ông nghĩ đến sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam từ trong ca dao đến ngoài đời thực. Và nghĩ nhiều đến món nợ của những người đang sống đối với các bà mẹ có những người con ra đi rồi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Sau một năm “thai nghén”, ca khúc “Đất nước”, nhạc Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên mới hoàn thành, không những hay về giai điệu, đẹp về ca từ mà còn lay động tâm thức người nghe một cách sâu sắc lần lượt được các ca sĩ Ngọc Tân, Quang Lý, Cẩm Vân... thể hiện thành công vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, trong các hội diễn văn nghệ và cũng từ đó bài hát đến nhiều hơn với số đông công chúng và trở thành ca khúc quen thuộc trong những dịp tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Gần nửa thế kỷ, mỗi khi bài hát được cất lên, tiếng đồng vọng của quá khứ đau thương nhưng không kém phần hào hùng và bi tráng lại hiện về trong mỗi trái tim người Việt Nam. Đó như lời nhắc nhở với những người đang sống hôm nay về lòng biết ơn trước những hy sinh lặng thầm của bao thế hệ cha ông nơi tiền tuyến, bao người mẹ, người vợ ở hậu phương cho nước non liền một dải.

Năm 2000, với sự hỗ trợ của đồng đội, hài cốt liệt sĩ Ngô Gia Bảo được gia đình đưa về yên nghỉ trên quê hương Hưng Hà, trong căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, bà Ngòi vẫn ngày đêm hương khói thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng Khương Thị Kẹo và 3 anh em liệt sĩ. Năm 2019, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình và Quỹ nghĩa tình đồng đội Bộ Công an đã hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa mới căn nhà cho bà Nguyễn Thị Ngòi như một sự tri ân, chia sẻ, giúp đỡ đối với gia đình đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống.

Riêng thôn Ngũ Đông, một vùng quê yên bình, trù phú với những con người đôn hậu nhưng có tới 94 hộ chính sách, 59 liệt sĩ, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng; còn biết bao tên đất, tên làng trên dải đất này đã góp người, góp của để dựng xây và bảo vệ giang sơn bờ cõi. Trong nắng tháng 4 nhạt vàng qua những con ngõ nhỏ, tôi như thấy rộn ràng tiếng bước chân của những chàng trai kiêu hùng từ biệt quê hương lên đường ra trận, như thấy lặng thầm những hình bóng của mẹ Kẹo, bà Ngòi ngày ngày ra vào tựa cửa ngóng tin con, tin chồng đi đánh giặc trở về... Trong trang sử nghìn năm, những bóng hình đã khắc tạc nên dáng hình đất nước.

Minh Hưng