Thứ 6, 15/11/2024, 19:10[GMT+7]

Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương

Thứ 6, 17/05/2024 | 14:54:05
5,184 lượt xem
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức khóa bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 học viên là phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Các học viên tham gia khóa bồi dưỡng

Tham gia khóa bồi dưỡng, các học viên được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam); nhà báo Đặng Thị Huệ, nguyên Phó Giám đốc Hệ Phát thanh dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Lan Chi, Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp những thông tin cơ bản về một số nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, người khuyết tật, người LGBTI); quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử; kỹ năng phỏng vấn, khai thác, tìm kiếm và kiểm định thông tin; những lưu ý khi đưa tin nhạy cảm và bao trùm về nhóm dễ bị tổn thương; nguyên tắc đạo đức và cách sử dụng từ ngữ khi đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương để gây hiệu ứng xã hội tốt nhất...

Ông Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn cao cấp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) truyền đạt các nội dung tại khóa bồi dưỡng.Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Lan Chi, Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội truyền đạt các nội dung tại khóa bồi dưỡng.

Thông qua thực hành bài tập nhóm, giảng viên và học viên cùng thảo luận, phân tích những khó khăn trong việc đưa tin về nhóm người dễ bị tổn thương từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục. 

Khóa bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội cho các phóng viên, biên tập viên; qua đó giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về quyền của nhóm dễ bị tổn thương, chống phân biệt đối xử và giảm thành kiến của xã hội đối với họ. Đây cũng là dịp để đội ngũ những người làm báo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí. 

Thu Hoài