Chủ nhật, 10/11/2024, 05:37[GMT+7]

Đau đáu nỗi lòng thân nhân liệt sĩ

Thứ 5, 25/07/2024 | 08:44:57
2,855 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng đến nay gần 2.500 liệt sĩ huyện Vũ Thư vẫn chưa “trở về” quê hương. Thân nhân các liệt sĩ vẫn đau đáu chờ mong tìm được hài cốt người thân để nguôi ngoai nỗi mất mát, nhớ thương...

Người dân, đoàn viên, thanh niên xã Việt Thuận (Vũ Thư) tham gia vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ xã.

Một ngày tháng bảy, cùng các thanh niên tiến hành tổng vệ sinh, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ xã, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Việt Thuận (Vũ Thư) lặng lẽ ngắm nhìn từng phần mộ, gương mặt đượm buồn. Nghĩa trang còn chỗ nhưng anh trai ông, liệt sĩ Đặng Xuân Xứng chưa về. Nhập ngũ năm 1970 khi mới 17 tuổi, hai năm sau, chiến sĩ Đặng Xuân Xứng đã hy sinh, nằm lại giữa núi rừng Kon Tum. Hơn 50 năm qua, gia đình ông Hải đã rất nhiều lần đi tìm kiếm hài cốt anh trai. Bản thân ông Hải đã 2 lần, năm 2009 và năm 2020 “khăn gói” vào chiến trường xưa của anh trai, có sự trợ giúp của các cơ quan chức năng tìm hài cốt anh nhưng đến nay chưa có kết quả. Lời di nguyện của bố mẹ trước khi qua đời là cố gắng tìm được hài cốt liệt sĩ Đặng Xuân Xứng đưa về quê hương, đến nay ông Hải vẫn chưa thực hiện được. Trong tim ông vẫn luôn đau đáu, khát khao một ngày nào đó sẽ tìm được hài cốt anh trai để đưa về quê nhà.

Xuân Hòa có 2 anh ruột là Hà Văn Dần và Hà Văn Ro hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. “Suốt mấy chục năm khi còn sống, mẹ tôi - mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Muôn luôn khắc khoải từng ngày ngóng trông tin tức về 2 người con liệt sĩ; nhưng cuối cùng không đợi được, bà mất năm 2011. Gia đình tôi có 5 chị em, hiện nay chỉ còn lại tôi và 1 chị gái, đều đã hơn 70, 80 tuổi. Tâm nguyện của chị em tôi là tìm, đưa hài cốt của 2 anh về quê hương thờ phụng, khói hương chu đáo cho các anh” - bà Tỵ nghẹn ngào chia sẻ.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Vũ Thư có trên 5.800 liệt sĩ, trong đó gần 2.300 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang nhân dân tại quê hương. Ngoại trừ số ít liệt sĩ đang được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh, thành phố khác, còn lại gần 2.500 hài cốt liệt sĩ hiện chưa có thông tin, chưa tìm được.

Ông Phạm Văn Uyên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Những năm qua, huyện đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị chức năng và hỗ trợ thân nhân liệt sĩ thực hiện các thủ tục trong công tác tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là đến nay còn rất ít thông tin hoặc không còn thông tin về đơn vị của liệt sĩ, nơi hy sinh, nơi chôn cất liệt sĩ. Thứ hai là sau nhiều năm, đến nay nơi chôn cất các liệt sĩ xưa đã có sự thay đổi rất lớn về địa hình, hiện trạng đất đai, gây khó khăn cho việc xác định chính xác vị trí chôn cất liệt sĩ. Có liệt sĩ xác định được khu vực hy sinh, chôn cất nhưng lại “nằm” cùng với hàng trăm liệt sĩ khác, đều là các ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Hiện nay, công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ, sinh phẩm thân nhân liệt sĩ của các đơn vị chức năng quá tải, thân nhân liệt sĩ phải chờ đợi khá lâu, 1 năm, thậm chí 3, 4 năm mới có kết quả.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm thiêng liêng, huyện Vũ Thư thực hiện phương châm “còn thông tin về liệt sĩ còn tiếp tục tổ chức tìm kiếm, quy tập”. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc những người con đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn góp phần làm vơi bớt nỗi đau, sự mất mát, ngóng trông của các thân nhân liệt sĩ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Đoàn viên, thanh niên xã Việt Thuận vệ sinh phần mộ liệt sĩ, khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã.

Quỳnh Lưu