Thứ 7, 23/11/2024, 21:06[GMT+7]

Người cao tuổi huyện Tiền Hải: Thi đua làm kinh tế giỏi

Thứ 3, 13/08/2024 | 21:17:01
4,267 lượt xem
Phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, nhiều cán bộ, hội viên người cao tuổi (NCT) huyện Tiền Hải đã vươn lên làm giàu chính đáng với những mô hình có hiệu quả kinh tế cao, trở thành tấm gương mẫu mực cho con cháu học tập, noi theo.

Ông Đinh Công Định (người bên trái) thu lãi 700 - 800 triệu đồng/năm từ nuôi gà.

Ông Định - tỷ phú nuôi gà

Năm 2005, nhận thấy nghề nuôi gà có tiềm năng phát triển, ông Đinh Công Định, xã Nam Thanh lặn lội vào miền Nam để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi. Năm 2009, ông về quê, thuê lại đất ở xã Tây Tiến để xây dựng trang trại. Ông chia sẻ: Sau đại dịch Covid-19, dù trang trại vẫn duy trì chăn nuôi tốt nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn cao, giá bán thấp. Năm đó, tôi bán được hơn 300 tấn gà trắng nhưng thua lỗ khoảng 400 triệu đồng.

Không ngại thay đổi để thích ứng, ông Định đã liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam để nuôi giống gà mía thương phẩm. Ông cho biết: Để việc chăn nuôi hiệu quả, thuận tiện, tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động cho gà với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát giúp vật nuôi hạn chế mắc các loại bệnh. Với 2 dãy chuồng rộng 1.700m2, tôi nuôi khoảng 18.000 con gà mía, cho thu lãi 700 - 800 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mỗi năm tôi còn có thêm nguồn thu trên 100 triệu đồng nhờ việc bán phân gà cho người dân làm phân bón.

Nhờ có trang trại của ông Định nên ông Trần Văn Thiêm, xã Đông Xuyên có thu nhập ổn định ở tuổi 60. 

“Trước đây gia đình tôi chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ cấy vài sào ruộng và đi phụ hồ. Hơn 1 năm trở lại đây, tôi được ông Định tạo điều kiện cho làm việc nên có thu nhập ổn định hơn 7 triệu đồng/tháng” - ông Thiêm cho biết.

Bà Ngắn làm giàu từ nghề thủ công

Những năm tháng bươn chải buôn bán ngược xuôi đã giúp bà Phạm Thị Ngắn, thị trấn Tiền Hải trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán. Từ hai bàn tay trắng, bà đã vươn lên làm giàu với nghề thủ công, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định. Năm 2004, bà Ngắn quyết tâm đưa các sản phẩm truyền thống vươn ra khỏi lũy tre làng bằng việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An. Nhờ sự nhạy bén của mình, bà đã giới thiệu, đưa các sản phẩm của Công ty đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước. 

Bà Ngắn cho biết: Các sản phẩm đều có nguồn gốc từ tự nhiên, thân thiện với môi trường được đan từ cây cói, cây bèo bồng, sợi len nên được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, tôi phải tìm kiếm, thiết kế nhiều mẫu mã độc đáo và trực tiếp hướng dẫn người lao động cách làm.

Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An của bà Phạm Thị Ngắn tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Hiện tại bà Ngắn đang tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, hàng trăm nghìn sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Philippines, Đức, Pháp...

Bà Nguyễn Thị Lụa, tổ dân phố Hồng Phong, thị trấn Tiền Hải chia sẻ: Tôi đã đồng hành với gia đình bà Ngắn gần 40 năm. Nhờ có bà Ngắn nên làng nghề lại hưng thịnh, mọi người được nâng cao tay nghề và có thu nhập ổn định.

Ông Chiến nuôi tôm công nghệ cao

Năm 2018, khi nhiều gia đình ở xã Đông Minh vẫn đang nuôi thủy sản theo hình thức truyền thống thì ông Đoàn Đình Chiến, 72 tuổi, thôn Ngải Châu đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao. 

“Trước đây gia đình tôi chủ yếu nuôi cá song, cá vược trong đầm truyền thống. Với những loại cá này, tôi phải nuôi 2 năm mới có thể xuất bán. Do thời gian nuôi kéo dài, quá trình nuôi vất vả và chỉ thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm nên tôi chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng” - ông Chiến chia sẻ.

Thời gian đầu, ông Chiến phải đi khắp các xã lân cận để học hỏi cách làm. Nhờ dám nghĩ, dám làm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật nên mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, gia đình ông có 1,3ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao khoảng 1ha. Mỗi năm nuôi 3 vụ tôm, chỉ tính riêng trong vụ vừa qua gia đình xuất bán khoảng 5 tấn tôm, thu lãi hơn 700 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đoàn Đình Chiến.

Ông Tạ Văn Thuấn, Trưởng ban đại diện Hội NCT huyện Tiền Hải đánh giá: Toàn huyện hiện có trên 13.500 hội viên NCT vẫn đang tích cực tham gia lao động sản xuất và phát triển kinh tế. Qua bình xét có 386 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi với 32 NCT là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp và hỗ trợ việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để phong trào “Tuổi cao - gương sáng” ngày càng phát triển, thời gian tới, Hội NCT huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời nêu gương điển hình NCT làm kinh tế giỏi để các hội viên học hỏi, làm theo.

Nguyễn Triệu