Thứ 7, 09/11/2024, 22:20[GMT+7]

Nơi người bệnh không bao giờ cô đơn

Thứ 7, 24/08/2024 | 17:10:29
3,858 lượt xem
Thấu hiểu nỗi đau và những khó khăn mà các bệnh nhân phong phải trải qua, các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và dinh dưỡng, Bệnh viện Da liễu Thái Bình cơ sở 2 luôn tận tâm, hết mình chăm sóc, điều trị, phục vụ người bệnh. Không ngại khó, ngại khổ, bằng tình yêu thương và trách nhiệm, họ đã giúp người bệnh phần nào vơi đi nỗi đau bệnh tật.

Hàng ngày, các hộ lý vẫn đến từng phòng chăm sóc cho người bệnh.Trong ảnh: Hộ lý Bùi Thị Lan cùng đồng nghiệp cho người bệnh ăn trưa.

Một ngày như mọi ngày, công việc của hộ lý Bùi Thị Lan bắt đầu từ rất sớm. Hơn 6 giờ, chị có mặt tại các buồng bệnh để chăm sóc cho 20 bệnh nhân, từ việc vệ sinh cá nhân, cho ăn uống, giặt đồ đến dọn dẹp buồng bệnh cũng là phòng ở... Công việc ấy đã gắn bó với chị suốt 26 năm qua. 

Hộ lý Bùi Thị Lan chia sẻ: Thời điểm khi tôi mới vào công tác, lượng bệnh nhân còn khá đông bởi đây là nơi tiếp nhận bệnh nhân phong của hơn 20 tỉnh, thành phố. Thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, khu vệ sinh, tắm rửa xa, phải cõng người bệnh đi cả nửa cây số. Số lượng người bệnh cần chăm sóc cũng đông hơn nhưng đa phần là còn trẻ, tinh thần minh mẫn. Bây giờ thì bệnh nhân phần lớn là các cụ cao tuổi, tàn tật, mù lòa và còn mắc một số bệnh kèm theo như tâm thần, huyết áp cao, tiểu đường, run tay chân... Vì thế, dù ít bệnh nhân hơn nhưng công việc vẫn rất vất vả. Nhiều khi bệnh nhân đau, cáu gắt, còn mắng, đánh cả chúng tôi. Mỗi đêm, chúng tôi phải thường xuyên đi kiểm tra tình hình sức khỏe vì tuổi cao bệnh mạn tính đã có những cụ đêm bệnh trở nặng đột ngột, phòng tránh việc các cụ lẫn đi ngoài. Thấu hiểu sự đau đớn, chia sẻ với bệnh tật của họ nên chúng tôi càng yêu thương hơn, coi các cụ như người thân bởi họ đã quá thiệt thòi. 

Cùng với hộ lý Lan, công việc của 21 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, y công (người đóng giày cho bệnh nhân) của Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và dinh dưỡng cũng rất vất vả. Với họ, mỗi ca trực không chỉ là 8 tiếng của giờ hành chính, nhiều khi không có thứ bảy, chủ nhật hay ngày nghỉ lễ, tết. Họ phải làm rất nhiều việc, từ khám, điều trị, chăm sóc, vệ sinh cá nhân, đôn đốc uống thuốc, chế tạo dép cho từng người bệnh... Khi có đoàn từ thiện đến trao quà, họ sẽ lập danh sách, tiếp nhận quà mang tới từng buồng bệnh bởi có nhiều bệnh nhân không thể tự đi lại. Các đoàn từ thiện có thể đến trao quà không kể thời gian, khi giữa trưa, khi tối muộn nhưng cán bộ, nhân viên y tế vẫn luôn vui vẻ bởi họ biết khi được trao tặng quà đời sống của người bệnh sẽ được cải thiện phần nào. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và dinh dưỡng, Bệnh viện Da liễu Thái Bình cơ sở 2 chia sẻ: Khoa đang thực hiện nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện 87 bệnh nhân phong, trong đó phần lớn là bệnh nhân cao tuổi từ 60 - 90 tuổi. Nhiều bệnh nhân yếu, tàn tật, cụt rụt tứ chi, không có người thân và mắc một số bệnh mạn tính. Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó nhưng với bệnh nhân phong tàn tật còn khó hơn nhiều lần. Dù cơ sở vật chất đã cũ, trang thiết bị y tế thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, phục vụ dinh dưỡng cho bệnh nhân... song với tinh thần tất cả vì người bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế trong Khoa luôn đoàn kết, vượt khó, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao từ chăm sóc, điều trị, bảo đảm dinh dưỡng đến kiểm soát nhiễm khuẩn... Mỗi bệnh nhân mỗi tính cách khác nhau nên chúng tôi luôn hiểu để động viên, giúp đỡ họ. 

Bệnh nhân Nguyễn Đỗ Ích chia sẻ: Tôi gặp khó khăn về vận động, đi lại nên mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào các bác sĩ, nhân viên y tế. Ở đây, mọi người rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ chúng tôi. “Lương y phải như từ mẫu”, sự tận tâm của các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và dinh dưỡng, Bệnh viện Da liễu Thái Bình cơ sở 2 là nhịp cầu kết nối yêu thương giúp người bệnh vơi bớt đi nỗi đau bệnh tật. Vượt qua những khó khăn, họ vẫn bám trụ với nghề, góp phần làm tỏa sáng thêm y đức của người thầy thuốc.

 87 bệnh nhân phong đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Da liễu Thái Bình cơ sở 2.

Hoàng Lanh