Thứ 2, 25/11/2024, 09:13[GMT+7]

Thái Thụy - Thái Bình Hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa 

Thứ 5, 16/09/2010 | 16:17:13
2,406 lượt xem
Những năm qua, Thái Thụy đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Huyện chỉ đạo quyết liệt, địa phương vào cuộc tích cực, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình trong việc xây dựng thôn làng, gia đình văn hoá, thực hiện nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội góp phần làm nên một diện mạo mới cho quê hương đất biển anh hùng.

Thái Thụy đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

Chúng tôi về Thụy Văn, nơi đây có cách làm hay và rất sáng tạo. Xã thành lập BCĐ xây dựng đời sống văn hoá, mỗi khi  có các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hoá mới đều tổ chức tuyên truyền tới các trưởng thôn, dòng họ và tận hộ gia đình. Trong quá trình tuyên truyền, lồng ghép đưa tin về các hoạt động văn hoá, biểu dương những gương người tốt, việc tốt đồng thời phê phán những cá nhân, gia đình, tập thể làm chưa tốt nên có ý nghĩa giáo dục rất lớn trong cộng đồng dân cư. 7/7 thôn đã tổ chức khai trương thực hiện quy ước văn hoá.

Đặc biệt, 100% số gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, cuối năm bình xét đã có 88,42% số gia đình đạt chuẩn. Nhân dân tích cực góp công, góp của làm đường giao thôn nông thôn. Riêng thôn Văn Tràng, năm qua đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp làm 2.200m2 đường bê tông trị giá 600 triệu đồng. Còn  ở Thái Nguyên, UBND xã chú ý đến việc giáo dục văn hoá ứng xử, giao tiếp  đối với cán bộ công chức xã; quy định cụ thể cán bộ, công chức, công dân đi xe máy đến công sở phải thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, nếu trường hợp nào không đội mũ bảo hiểm yêu cầu về nhà mang mũ rồi mới vào trụ sở UBND xã làm việc.

Tuy là xã khó khăn, song năm 2009 khi huyện đầu tư 3 tỷ đồng làm trục đường liên xã nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình và hoa lợi mà không đòi hỏi tiền đền bù. Toàn xã cũng đã vận động nhân dân các thôn tự nguyện đóng góp trên 1,6 tỷ đồng để làm đường bê tông nông thôn. Đến nay, 95% các ngõ xóm ở Thái Nguyên đã được bê tông hoá với nguồn hỗ trợ của xã 20%, còn lại do dân đóng góp. Vì thế, tình làng ngõ xóm ngày càng thắt chặt hơn, an ninh nông thôn được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên.

Không chỉ ở Thái Nguyên, Thụy Văn mà ở cả 48 xã, thị trấn của Thái Thụy đều coi trọng việc xây dựng, thực hiện nếp sống văn hoá cả nếp sống cá nhân, gia đình và nếp sống trong cộng đồng dân cư. Điều này thể hiện trước hết đối với việc xây dựng gia đình văn hoá. Ban vận động phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” các xã, thị trấn tổ chức nghiêm túc việc đăng ký danh hiệu gia đình văn hoá ngay từ đầu năm, cuối năm thực hiện bình xét công khai, dân chủ. 100% các thôn làng, khu dân cư  tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân kết hợp suy tôn, biểu dương, khen thưởng  những gia đình văn hoá tiêu biểu nên nhân dân rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ.

Toàn huyện có 93,32% số hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá và đã có 85,37% trong số đó đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.  Sau 15 năm triển khai việc khai trương xây dựng và thực hiện  quy ước làng văn hoá, đến nay Thái Thụy có 100% các thôn làng đã khai trương thực hiện quy ước văn hoá, hoàn thành trước kế hoạch 1 năm.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng đã khai trương thực hiện quy ước văn hoá. Năm 2009, toàn huyện có 10 thôn làng, 5 cơ quan, đơn vị, 30 trường đạt danh hiệu đơn vị văn hoá. Các xã, thị trấn cũng đã xây dựng quy chế, thực hiện tốt Quyết định 2080 trước đây và nay là Quyết định 02 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Tất cả các đôi nam nữ trước khi tổ chức lễ cưới đều được UBND xã tổ chức đăng ký kết hôn, trao giấy chứng nhận kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, không còn hiện tượng tảo hôn, các hủ tục lạc hậu được xoá bỏ.

Nhiều gia đình không dùng thuốc lá trong đám cưới, tổ chức ăn uống tiết kiệm , số mâm cỗ từ 80 đến 100 mâm nay giảm chỉ còn 30 đến 40 mâm. Hiện nay, 100% các đám tang ở Thái Thụy đều được cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể, chi bộ, thôn đứng ra kết hợp với gia đình tổ chức bảo đảm trang trọng, phù hợp với nghi lễ truyền thống của dân tộc. Các hủ tục trong đám tang như lăn đường, mời thuốc lá bị xoá bỏ. Xã Thái Xuyên vận động các gia đình không rắc, đốt giấy tiền trên đường đưa tang, ở xã Thái Nguyên chỉ đốt giấy tiền ở một đoạn nhất định. Hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện việc quy hoạch nghĩa trang, nơi hung táng, cát táng riêng. 

Toàn huyện có 37 xã quy định việc cát táng vào một ngày nhất định. Một số xã thì chỉ quy định từ 1 đến 2 ngày trong năm, hỗ  trợ thêm điện nước, bảo đảm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường, yêu cầu các hộ gia đình  xây mộ phải thống nhất theo đúng kích cỡ quy định. Mỗi năm, các địa phương ở Thái Thụy tổ chức hàng trăm lễ hội. Các lễ hội cơ bản phát huy tốt cả phần lễ và phần hội, tích cực xây dựng và bảo tồn nét văn hoá truyền thống của địa phương trong đời sống xã hội, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hình thức mê tín dị đoan như xóc thẻ, bói toán, đốt vàng mã. 

Việc tổ chức lễ hội đã thu hút hàng ngàn con em xa quê, khách thập phương về dự, thông qua đó đã giới thiệu được nét văn hoá truyền thống độc đáo của miền quê ven biển, đồng thời huy động được nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở Thái Thụy đã phát huy hiệu qủa rõ rệt, không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Năm 2009, kinh tế toàn huyện tăng trưởng 13,99% so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo theo  chuẩn mới chỉ còn 9,6%, giảm 2% so với năm 2006 với tổng số hộ thoát nghèo là 3.761 hộ.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa