Chủ nhật, 17/11/2024, 15:50[GMT+7]

Nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

Thứ 4, 16/10/2024 | 08:37:24
1,945 lượt xem
Trong cuộc sống hiện nay, tai nạn thương tích (TNTT) luôn tiềm ẩn và có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào đối với trẻ em. Tùy từng độ tuổi, từng môi trường mà trẻ em có thể gặp các TNTT khác nhau. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mỗi gia đình là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo đảm cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Trẻ em xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) được dạy kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước.

Do bản tính của trẻ em là hiếu động, tò mò, thích khám phá môi trường xung quanh nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên dễ xảy ra TNTT. Tùy từng độ tuổi, môi trường mà trẻ em có nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Kiểu tai nạn hay gặp ở trẻ nhỏ là tình trạng trẻ bị ngạt thở do dị vật đường hô hấp. Với bản tính tò mò, trẻ rất thích cho đồ vật vào miệng, đặc biệt là các vật nhỏ dễ nuốt như đồng xu, đồ chơi nhỏ, mẩu bút màu, nắp bút, pin, kẹp tóc, cúc áo... Đây là dạng tai nạn khá nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Dạng tai nạn tiếp theo hay gặp ở trẻ là bỏng. Nguyên nhân gây bỏng rất đa dạng nhưng phần lớn là do bỏng nước sôi, bỏng do bàn là, do điện giật, bỏng ống pô xe máy... Tai nạn giao thông cũng là một dạng tai nạn hay gặp ở trẻ, nhất là trẻ em trong độ tuổi học sinh. Nguyên nhân là do trẻ em không tuân thủ pháp luật về giao thông; nhiều trẻ em mải chơi đùa, chạy qua đường nhưng không quan sát...

Trong các dạng TNTT ở trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đuối nước là dạng tai nạn để lại hậu quả đau lòng và thương tâm nhất, nhiều em nhỏ đã mất đi tính mạng của mình. Cuối tháng 5/2024, cháu B.N.P, sinh năm 2012 tại xã Thái Đô (Thái Thụy) trong lúc đi chơi cùng các bạn đã bị đuối nước tử vong. Cũng trong tháng 5/2024, cháu T.Đ.H, sinh năm 2016 tại xã Tam Quang (Vũ Thư) đi chơi cùng anh trai đã bị trượt chân ngã xuống ao dẫn đến tử vong. Còn rất nhiều vụ tai nạn đuối nước khác dẫn đến tử vong ở trẻ em như trường hợp của cháu P.V.T, sinh năm 2018 ở xã Tiến Đức (Hưng Hà) bị đuối nước tại bể nước mưa nhà hàng xóm. Hay như trường hợp của cháu N.T.A, sinh năm 2010 ở xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ), sau khi tan học về, nhóm học sinh gồm 6 bạn rủ nhau ra sông Luộc tắm và sau đó xảy ra đuối nước thương tâm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ; thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại, chơi đùa gần các khu vực có sông, ao, hồ...

Trước thực trạng TNTT ở trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ TNTT ở trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Với mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu TNTT ở trẻ em trên tất cả các loại hình, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động, mô hình tư vấn, giáo dục thực hành kỹ năng phòng, chống TNTT ở trẻ em tại cộng đồng, trường học và cơ sở nuôi dưỡng trẻ. Kiện toàn hệ thống sơ cứu, cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu tổn thương về sức khỏe, tinh thần của trẻ em do TNTT. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống TNTT ở trẻ em; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo bà Hoàng Thị Len, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn công tác phòng, chống TNTT ở trẻ em. Tại các hội nghị, đại biểu được truyền đạt các nội dung liên quan đến Luật Trẻ em; trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội với trẻ em; đặc biệt, được thông tin về các dạng TNTT đối với trẻ em và cách phòng ngừa. Qua tập huấn giúp người làm công tác trẻ em, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ em nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong công tác bảo vệ, phòng tránh TNTT ở trẻ em.

Giờ học thực hành về kỹ năng phòng tránh TNTT của học sinh Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng).

  Đỗ Hồng Anh