Thứ 2, 25/11/2024, 08:26[GMT+7]

Dòng sông quê hương - Dòng sông "Thương ôi!"

Thứ 2, 11/10/2010 | 14:23:06
10,933 lượt xem
Dòng Kiến Giang chảy qua làng tôi. Từ thưở nhỏ chúng tôi nhận nó là dòng sông quê hương.

Trên dòng Kiến Giang

Dòng sông quê đã để lại cho người làng tôi biết bao kỷ niệm buồn vui và chứng kiến bao sự kiện của làng. Những bậc cao niên kể lại rằng: Sông Kiến Giang là con sông đào do người Pháp thiết kế và huy động dân bản xứ thi công. vì thế nó còn có tên là Pari (thủ đô nước Pháp ).

Kiến Giang là sông nhân tạo nhằm khai thác nguồn nước từ sông Hồng và sông Trà Lý phục vụ cấy trồng và sinh hoạt cho dân các phủ, huyện miền Nam Thái Bình.

Sông Kiến Giang ngày xưa hẹp và nông choèn, về mùa khô, nhiều chỗ chỉ xắn quần quá đầu gối  là sang được, chẳng nhà nào có giếng khơi. Mọi sinh hoạt đều nhờ nước của sông Kiến Giang.

Vào mùa khô một năm đại hạn hán, nước sông Hồng qua  nhánh Tân Đệ không lên tới, nước sông Trà Lý qua làng Vai (nay là xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình ) cũng thấp. Lý trưởng của làng Vai huy động dân ra Cầu Mùa đắp đập ngăn dòng chảy, thế là cả làng tôi nháo nhác vì không có nước. Lý trưởng làng tức tốc cho đánh trống  "hồi liên" huy động hàng trăm người lên cầu Mùa phá đập. Thế là xảy ra cuộc hỗn chiến của hai làng. Đó là một chuyện buồn đáng nhớ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhưng cũng chính hai bờ sông Kiến Giang qua hai làng vào những năm kháng chiến chống Pháp, du kích hai địa phương từng phối hợp với nhau chiến đấu, quấy rối địch, làm cho thực dân trong nội thị mất ăn, mất ngủ. Nhiều anh chị em du kích của hai làng đã anh dũng hy sinh bên bờ sông quê hương.

Lớn lên trong hoà bình, dòng sông Kiến Giang là nơi hội tụ của chúng tôi mỗi chiều hè đến. Nhiều trò chơi của tuổi học trò trở thành ký ức tuổi thơ như thi nhau ngụp lặn, bơi qua sông, thi cướp cờ trên sông. Lớn hơn một chút thì câu cá, đánh rọ, nấp ló xem trộm đôi nam nữ thanh niên trong làng tự tình dưới ánh trăng thu… chiến tranh chống Mỹ bùng nổ, lớp người chúng tôi đứa thì vào đại học, đứa lên đường nhập ngũ, đứa thì tình nguyện đi thanh niên xung phong.

Ngày xưa chưa có điện thoại, chúng tôi liên lạc với nhau bằng những bức thư qua bưu điện. Trong thư chúng tôi không thể không nhắc tới kỷ niệm đẹp về con sông quê hương.

Sau hàng chục năm chiến đấu, công tác được nghỉ hưu nhưng nơi ở cách làng tôi không xa nên mỗi khi có việc buồn vui đều có mặt ở làng. Qua chiếc cầu bê tông thay cho chiếc cầu gỗ hồi còn ở nhà, nhìn xuống "dòng sông quê" không khỏi chạnh lòng.

Dòng sông bây giờ rộng gấp 2 lần hồi chúng tôi còn nhỏ, nhưng mặt sông dày đặc bèo Nhật Bản và rau muống. Rau muống là do dân 2 bên bờ sông trồng nhiều năm trước. Những năm đầu mới trồng, sông chưa bị ô nhiễm, rau muống xanh và non. Nhiều nhà ăn không xuể, mỗi ngày bán hàng trăm mớ. Dân nội thị quý rau sông vì rau không phun thuốc trừ sâu.

"Bao giờ cho đến ngày xưa" để dòng sông quê tôi lại trong lành.

Những năm gần đây rau muống ăn phải nước bẩn nên bán không ai dám mua. Thế là rau muống tự do phát triển, đan xen với bèo Nhật bản thành một lớp thảm dày, ngăn không cho nước chảy. Tự nhiên đoạn sông quê tôi trở thành một ao tù. Không chỉ có vậy, trên "mặt thảm" còn nhiều loại bao bì như hộp xốp, túi ni lon, bao xác rắn, bao hàng xanh, đỏ, vàng, trắng quăng ném khắp mặt sông.

Ông bạn đồng niên ở làng tâm sự: Dòng sông quê ô nhiễm nặng là do nước thải từ hai khu công nghiệp đổ ra. Đã có vụ "quê mình" chết mấy mẫu mạ. Xã bên cạnh là xã Vũ Chính quy hoạch, xây dựng khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung gồm 60 ha. Trước đây sông Kiến Giang chưa ô nhiễm, người nuôi trồng thuỷ sản lấy nước ra, nước vào tiện lắm. Nay họ phải hoành triệt cống ra sông, chịu tốn kém gấp nhiều lần để đưa nước từ sông Trà Lý về.

Bà con ven sông làng tôi cũng khổ về sông. Đặc biệt vào những ngày hè oi bức như năm nay, ngồi đâu cũng thấy mùi hôi từ sông Kiến Giang bốc lên. Bà con cho biết sông này sẽ còn tiếp tục ô nhiễm, bởi vì trong nội thành 100% hộ đều sử dụng"hố xí tự hoại", nước thải không được sử lý đổ ra sông tiêu 3-2, sông Vĩnh Trà và dốc vào sông Kiến Giang.

Thời còn công tác, chúng tôi luôn gắn bó với khu vực "nông thôn, nông nghiệp" nên mới hiểu hơn về sông Kiến Giang hiện tại. Chẳng cứ sông Kiến Giang ở khu vực thành phố mà từ các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải cũng bị ô nhiễm từ nhiều nguyên nhân. Mặt sông cũng bị bèo, rác lấn chiếm. Năm nào cũng có chiến dịch giải phóng dòng chảy, nhưng thực chất là từ nơi này đẩy sang nơi khác, chẳng khác nào "ném đá ao bèo", gây ra sự tốn kém rất lớn. Có không ít địa phương"báo cáo thì hay" nhưng khi chúng tôi có dịp đi qua thì "đâu còn đó"

"Bao giờ cho đến ngày xưa" để dòng sông quê tôi lại trong lành.

       
         Hoàng Duy

 

  • Từ khóa