Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Tránh treo, in “nhầm” biểu tượng chữ thập đỏ

Thứ 3, 09/09/2014 | 08:59:30
1,028 lượt xem
Biểu tượng chữ thập đỏ (CTĐ) đã trở nên gần gũi, tin cậy với mỗi người dân, đặc biệt là những người nghèo, già cả neo đơn gặp rủi ro, bất hạnh. Luôn bám sát, trợ giúp kịp thời những trường hợp khó khăn trên địa bàn, hình ảnh CTĐ có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong phong trào nhân đạo toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi, trên một số sản phẩm đang treo, in “nhầm” biểu tượng CTĐ khiến nhiều người hiểu sai về vai trò, chức năng và mục đích c

Một sản phẩm in “nhầm” biểu tượng CTĐ được bày bán trên địa bàn huyện Vũ Thư.

Điều 14, Chương III, Luật Hoạt động chữ thập đỏ được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 nêu rõ: Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này.

Việc sử dụng biểu tượng CTĐ cũng được quy định cụ thể trong Điều 15, Chương III: Biểu tượng CTĐ được sử dụng khi tiến hành hoạt động CTĐ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội CTĐ; khi có xung đột vũ trang, biểu tượng CTĐ được sử dụng theo quy định của các công ước Giơ-ne-vơ có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Các lĩnh vực hoạt động CTĐ được ghi chi tiết trong Điều 2, Chương I: Hoạt động CTĐ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội CTĐ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khỏe; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa… Khoản 7, Điều 6, Chương I cũng quy định sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật là hành vi bị nghiêm cấm.

Dù đã có cơ sở pháp lý rõ ràng về sử dụng biểu tượng CTĐ song thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng tùy tiện, sai mục đích biểu tượng CTĐ. Nhiều sản phẩm (đồ ăn, khăn bông…), nhiều phương tiện vận chuyển (xe cứu thương, xe vận chuyển thuốc)… đang sử dụng “nhầm” biểu tượng CTĐ. Bắt gặp biểu tượng CTĐ in trên sản phẩm khăn bông cao cấp Pieci của Công ty TNHH SX và TM Phúc Quang Minh (Từ Liêm, Hà Nội) được bán tại một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Vũ Thư, khi được hỏi về biểu tượng CTĐ, cả người bán, người mua đều trả lời đó là hình ảnh của ngành Y tế và cho rằng nó là dấu hiệu nhận biết khăn có thể kháng khuẩn. Trên bao bì sản phẩm kem sữa dừa của Nhà máy sản xuất kem số 1 Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng in biểu tượng CTĐ với chữ “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”. Việc sử dụng biểu tượng của những trường hợp trên là do nhầm lẫn, chưa hiểu rõ về biểu tượng CTĐ hoặc cố ý vì mục đích riêng. Sự nhìn nhận, hiểu sai lệch về biểu tượng CTĐ đặt ra yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rõ mục tiêu hoạt động nhân đạo vì hòa bình, hữu nghị.

Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Hình ảnh CTĐ là biểu tượng độc quyền của Hội Chữ thập đỏ. Trước tình trạng một số đơn vị sử dụng sai biểu tượng CTĐ, thực hiện sự chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc bảo vệ, nâng cao hình ảnh CTĐ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã gửi văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân sử dụng biểu tượng CTĐ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng giúp đông đảo người dân và xã hội hiểu được ý nghĩa của biểu tượng CTĐ. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về hoạt động CTĐ quốc tế, CTĐ Việt Nam nhằm trang bị thêm kiến thức cho toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên CTĐ để mỗi cá nhân trở thành tuyên truyền viên tích cực.

Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tập trung đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, tăng cường tổ chức các hoạt động nhân đạo ý nghĩa, thiết thực trợ giúp đối tượng khó khăn. Song hơn hết, việc bảo vệ và sử dụng biểu tượng CTĐ đúng mục đích cần có sự chung tay, phối hợp của toàn xã hội, tránh thái độ thờ ơ và cái nhìn sai lệch về biểu tượng CTĐ.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa