Thứ 3, 19/11/2024, 01:43[GMT+7]

Nơi tiếp niềm tin cho trẻ khiếm thị

Thứ 5, 25/09/2014 | 08:35:29
1,216 lượt xem
Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Hội người mù Thái Bình là nơi sinh hoạt, học tập, học nghề của 30 em khiếm thị đến từ 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Mặc dù nơi ăn chốn ở chật hẹp, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn song các học sinh trong Trung tâm luôn có tinh thần lạc quan, sống gắn bó yêu thương, biết vượt lên số phận, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Học sinh lớp tiền hòa nhập Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Tỉnh hội người mù Thái Bình học cách tự ăn uống.

Năm 2001, Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Hội người mù Thái Bình được thành lập. Nhằm tạo điều kiện giúp đỡ trẻ khiếm thị trên địa bàn tỉnh thoát khỏi mặc cảm cá nhân, vươn lên hòa nhập cộng đồng, hàng năm, Trung tâm phối hợp với các huyện, thành hội, phòng lao động thương binh và xã hội các huyện, Bệnh viện Mắt Trung ương điều tra, rà soát tuyển sinh đúng đối tượng.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người mù tỉnh cho biết: Đối tượng tuyển sinh của Trung tâm là các em khiếm thị nặng ở độ tuổi từ 6 - 13. Khi vào Trung tâm, các em sẽ được học tập theo 2 giai đoạn: giai đoạn tiền hòa nhập và giai đoạn hòa nhập. Ở giai đoạn tiền hòa nhập, các em học những kỹ năng cần thiết cho việc sinh hoạt hàng ngày như: tự ăn uống, rửa bát đũa, tự tắm giặt, vệ sinh, phát hiện chướng ngại vật, định hướng trong quá trình đi lại, cách ứng xử và làm quen với chữ nổi. Việc học tập các kỹ năng này sẽ giúp các em tự chủ trong sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân. Giai đoạn tiền hòa nhập kéo dài trong 9 tháng tại Trung tâm sau đó các em bước sang giai đoạn học hòa nhập ở các trường học trên địa bàn Thành phố như: Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Đức Cảnh.

Mỗi học sinh ở Trung tâm có khả năng nhìn không giống nhau. Có em từ khi sinh ra đã không biết đến ánh sáng nhưng có em vẫn còn khả năng nhìn thấy lờ mờ. Để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình học hòa nhập tại các trường học, ngay từ khi các em chuẩn bị đi học, Trung tâm mời bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương đến khám sàng lọc, phân loại những em đi học ghi chép hoàn toàn bằng chữ nổi, những em nên ngồi gần bảng và học như các bạn bình thường. Sở dĩ có sự khác biệt này là do nếu để các em vẫn còn khả năng nhìn ghi chép bài bằng chữ nổi sẽ khiến các em không tận dụng sức nhìn hiện có, lâu dần các em sẽ mất hoàn toàn khả năng nhìn thấy ánh sáng.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người mù tỉnh cho biết thêm: Việc Trung tâm tạo điều kiện cho các em đi học là để trang bị cho các em có được những kiến thức cơ bản làm nền tảng bước vào đời. Sau khi học hết cấp 2, những em có kết quả học khá, có nhu cầu học lên sẽ tiếp tục được tạo điều kiện học lên cấp 3, những em không có nhu cầu học tiếp, Trung tâm sẽ hướng nghề cho các em. Trong số các nghề người mù thường làm là sản xuất tăm che, chổi đót, tẩm quất, trong đó tẩm quất luôn là lựa chọn số 1 của các em. Đây là nghề dễ tìm việc làm, chỉ cần có sức khỏe. Với nghề này, Trung tâm không chỉ dạy nghề mà còn liên hệ giới thiệu việc làm cho các em.

Trong căn phòng đủ kê 10 chiếc giường tầng tại Trung tâm, em lớn nhất học lớp 11, em bé nhất học lớp 3, mặc dù có sự chênh lệch về độ tuổi nhưng các em thực sự là một tập thể đoàn kết, những tiếng trêu đùa, tiếng cười chốc chốc lại vang lên. Tuân, 17 tuổi đang học tại Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Em đã ở Trung tâm hơn 10 năm, tiền ăn, tiền ở, tiền học đều được Trung tâm hỗ trợ. Sau này em sẽ làm nghề tẩm quất để tạo dựng cuộc sống.

Dẫu đôi mắt không nhìn thấy nhưng không chỉ có Tuân, các em học sinh của Trung tâm vẫn có thể tự làm những công việc sinh hoạt hàng ngày, nhờ phần mềm đọc, không ít học sinh hòa nhập có thể truy cập mạng internet, tìm kiếm thông tin, mở rộng tri thức như người bình thường… Thời gian ở Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Hội người mù Thái Bình thực sự là quãng thời gian bổ ích, trang bị cho các em những hành trang cần thiết để bước vào đời. Trung tâm chính là nơi tiếp niềm tin vào cuộc sống giúp trẻ khiếm thị vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Vũ Hường

  • Từ khóa