Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Nỗi bất hạnh của ông Phạm Văn Tư

Thứ 6, 03/10/2014 | 08:18:27
989 lượt xem
Căn bệnh u xơ thần kinh đã biến cơ thể ông Phạm Văn Tư (thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh, Tiền Hải) dị dạng với đôi chân phình to khác thường. 20 năm nay, thế giới của ông chôn chặt trong căn phòng khoảng chừng mười mét vuông, lợp ngói prôximăng nóng bức, ngột ngạt.

Ông Phạm Văn Tư (thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh, Tiền Hải) với đôi chân mang khối u khổng lồ.

Trong căn phòng nhỏ, ông Phạm Văn Tư (thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh, Tiền Hải) đang cố dồn sức cho đôi tay yếu ớt dịch chuyển cơ thể một cách nặng nhọc. Thấy có khách lạ, đôi tay ông run run với lấy chiếc lược trên cửa sổ chải đầu. Dù đã quá quen thuộc với những cảnh tượng ấy song người phụ nữ hơn 80 tuổi, mẹ ông vẫn không kìm nén được cảm xúc. Nét mặt buồn bã, dòng nước mắt trực trào ra, cụ khẽ tiếng thở dài rồi tâm sự: Ông Tư đi bộ đội hải quân được 3 tháng ở Đà Nẵng thì về để chữa trị do phát hiện căn bệnh u xơ thần kinh. Lúc đầu bệnh chỉ phát ra vài đốm nhỏ bằng hạt lạc, đi chữa thì hết nhưng sau đó mụn nổi toàn cơ thể, to dần và phát ra nặng nhất ở chân, không thể đi lại được. Bệnh nặng, vợ bỏ đi hàng tháng mới về một lần, tôi phải chăm lo đỡ. Bây giờ người mẹ già cũng không thể đỡ đần được vì sức yếu.

Ông Tư thoáng nhìn rồi vội quay đi như cố né tránh ánh mắt và sự đau khổ của người mẹ già. Căn bệnh u xơ thần kinh đã biến cơ thể ông dị dạng với đôi chân phình to khác thường. 20 năm nay, thế giới của ông chôn chặt trong căn phòng khoảng chừng mười mét vuông, lợp ngói prôximăng nóng bức, ngột ngạt.

Cuộc sống khốn khó, những lúc mẹ đau ốm, ông Tư phải tự xoay sở sinh hoạt. Chiếc giường nhỏ với ông vừa là căn bếp, vừa là phòng ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh. Từ 180.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng, ông chi tiêu dè sẻn bữa rau, bữa cháo qua ngày. Tiền thăm hỏi của hàng xóm, người thân ông dành dụm mua sách, bút cho đứa con trai đang học năm thứ 2 Trường Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An). Cậu con trai duy nhất là tài sản vô giá, phương thuốc hữu hiệu tiếp thêm khát vọng sống cho cuộc đời ông.

Ông tâm sự: Bạn bè phô tô sách mỗi trang một mặt giấy, cháu thì 4 trang dồn lại một mặt giấy. Tôi nói với cháu cẩn thận không lại hỏng mắt. Nó cười và bảo phải tiết kiệm. Rồi ông bật khóc, giọt nước mắt của người cha khuyết tật thương đứa con chăm ngoan, học giỏi mà không thể chăm lo, giúp đỡ được gì.

Bà Phạm Thị Thơm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Ninh tâm sự: Gia đình ông Tư là một trường hợp đặc biệt khó khăn của xã. Hàng tháng, Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ thường xuyên 50.000 đồng nhằm động viên gia đình. Để duy trì cuộc sống cho ông Tư và tiếp bước cho con ông - cậu học trò nghèo hiếu học tới trường, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng. Bởi con đường trước mắt họ còn nhiều lắm gian nan.

Như Hoàng

  • Từ khóa