Thứ 4, 20/11/2024, 05:19[GMT+7]

Thái Bình Báo động mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh

Thứ 6, 29/10/2010 | 16:10:38
2,578 lượt xem
Vấn đề mất cân bằng giới tính trong trẻ sơ sinh đang là một trong những vấn đề “nóng” của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) trên phạm vi cả nước, cũng như ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình.

Tuổi thơ. Ảnh Minh Đức

Theo một tài liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ, mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh sẽ dẫn đến tình trạng số nam nhiều hơn so với số nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ. Nếu trong những năm tới, từ năm 2010, mỗi năm số trẻ em trai được sinh ra còn sống từ 110 trở lên/ 100 trẻ em gái được sinh ra còn sống thì trong vòng 20 năm tới, số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành sẽ dư thừa rất lớn (theo tính toán khoảng 3 đến 4 triệu).

Khi đó, các em trai đến tuổi yêu và kết hôn sẽ xuất hiện hàng loạt vấn đề như: khó tìm vợ, phải sang các nước có nhiều phụ nữ để kết hôn, gia tăng nạn mại dâm, hãm hiếp, buôn bán phụ nữ... Xin được làm rõ thêm về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, trước hết là một vài định nghĩa về tỷ số giới tính:

- Tỷ số giới tính chung là số nam trên 100 nữ trong một khoảng thời gian xác định thường là một năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh. Chẳng hạn tỷ số giới tính chung của dân số Thái Bình theo tổng điều tra dân số năm 1979 là 76,6 nam / 100 nữ (sau chiến tranh, nhiều thanh niên ra mặt trận đã hy sinh cho Tổ quốc không trở về), năm 1989 là 86,9 nam/100 nữ, năm 1999 là 91,5 nam/100 nữ và năm 2009 vừa qua là 93,6 nam/100 nữ. Có thể nói rằng với nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng, chiến tranh càng lùi xa thì tỷ số giới tính chung của dân số càng tăng lên.

Tỷ số giới tính khi sinh là số trẻ em trai được sinh ra còn sống trên 100 trẻ em gái được sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian xác định, thường là một năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh. Bình thường, tỷ số này giao động từ 103 đến 108 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái. Lấy năm 2007 làm ví dụ, theo điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Hưng Yên cao nhất là 129/100, rồi đến Thanh Hoá, Bắc Ninh là 122/100, nhưng cũng có tỉnh thấp như Lai Châu là 101/100.

Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ em trai được sinh ra còn sống vượt trên ngưỡng bình thường so với 100 em gái được sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian xác định, thường là một năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh. Theo quy ước nhân khẩu học, khi tỷ số giới tính khi sinh của một quốc gia, một vùng hay một tỉnh - thành phố từ 110 em trai/ 100 em gái trở lên là mất cân bằng giới tính khi sinh. Ví dụ, sau tổng điều tra dân số 1999, diễn đàn của các đại biểu dân cử về dân số và phát triển đã nhận xét: Kết quả tổng điều tra dân số năm 1999 cho thấy việc mất cân bằng giới tính trên phạm vi cả nước đặc biệt đáng quan ngại ở một số tỉnh thành. Hiện nay ở 16 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/số bé gái) ở mức 115/100, một số tỉnh rất cao như Trà Vinh (124/100), An Giang (128/100)... Thái Bình lúc đó là 120/100.

Trở lại công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, trước sức ép về sự gia tăng nhanh chóng của quy mô dân số (thời kỳ 1979-1989 mỗi năm dân số tăng thêm 2,5 vạn người bằng dân số của 5 xã trung bình), mọi nỗ lực trong công tác DS-KHHGĐ tập trung vào mục tiêu giảm sinh nhất là giảm số người sinh con thứ ba trở lên. Có thể coi số liệu được diễn đàn các đại biểu Quốc hội nêu trên đây là một báo động về chất lượng công tác DS-KHHGĐ của tỉnh.

Từ đó, vấn đề mất cân bằng giới tính trong trẻ sơ sinh được đặt ra và xem xét một cách nghiêm túc. Một số cuộc điều tra thực tế, một số thống kê từ các trạm y tế, số liệu tập hợp từ các cán bộ dân số xã phường thị trấn cho kết quả tỷ số giới tính trong trẻ sơ sinh những năm đầu thế kỷ này khoảng 114-116 trẻ em nam/ 100 trẻ em gái. Chỉ thị số 22 CT/TU ngày 5/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/T.Ư ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã đánh giá “tỷ lệ giới tính (nam/nữ) trong trẻ sơ sinh đang có chiều hướng cao hơn tỷ lệ bình thường”.

Số liệu tập hợp từ hệ thống cán bộ dân số từ 2005 đến nay, mới nhất là 5 tháng đầu năm 2010 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta là 114 trẻ em trai /100 trẻ em gái cũng tương đương số liệu của tổng điều tra dân số 1/4/2009. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh là một thực tế đang diễn ra.

Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh rất nghiêm trọng nhưng lại không diễn ra tức thì mà phải 20 - 30 năm sau như đã nói ở phần trên. Bởi thế chưa tạo ra sự bức xúc trong xã hội. Những nghiêm cấm được quy định trong Pháp lệnh dân số như tuyên truyền phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp trong đó có siêu âm, loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính... chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trên thực tế, tài liệu hướng dẫn sinh con theo ý muốn vẫn công khai lưu hành, kể cả trên tập san của một cơ quan như “Bí mật của bản tàng thư sinh con theo ý muốn”, “Chọn thức ăn để sinh con theo ý muốn”. Tỷ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh rất cao và ngày càng tăng, theo một nhà nghiên cứu về dân số là 61% vào năm 2003-2004 và tăng lên 66% vào năm 2005-2006, điều chắc chắn là có sự tham gia của siêu âm tại nhiều cơ sở y tế. Đây là những nguy cơ làm tăng thêm sự mất cân bằng giới tính khi sinh.

Kinh nghiệm công tác dân số tỉnh ta cho thấy, để có kết quả tỷ lệ tăng dân số ở mức tương đối hợp lý như hiện nay, các thế hệ người Thái Bình đã phải nhận thức đúng sự bức xúc của một tỉnh đất chật người đông và quyết tâm, quyết liệu trong nhiều giải pháp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi thế vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta cũng phải được coi là một vấn đề bức xúc ngay từ bây giờ để tìm cách khắc phục, kể cả việc đưa thành tiêu chí xét khen thưởng công tác DS-KHHGĐ của các địa phương.

Trần Thiệp

(Hội KHHGĐ tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa