Chủ nhật, 17/11/2024, 19:19[GMT+7]

Bảo vệ Môi trường  Phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người

Thứ 3, 14/10/2014 | 08:17:43
1,128 lượt xem
Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, xây dựng NTM luôn hướng đến môi trường xanh, sạch, đẹp nhưng vẫn còn đây đó không ít làng quê, đồng ruộng, người nông dân vẫn chưa nhận ra những hiểm họa từ ô nhiễm môi trường.

Bãi rác thải tự phát trên quốc lộ 10 đoạn qua địa phận huyện Đông Hưng gây ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường thì tổng lượng rác thải sinh hoạt toàn tỉnh khoảng 650 tấn/ngày, trong đó 80% được thu gom về khu xử lý, 20% còn lại đổ ra các khu vực đất trống, mương máng, bờ đê… do ý thức của người dân chưa cao. Thực tế, rác thải ở nông thôn đã và đang trở thành vấn đề nan giải; rác vứt ra khắp nơi, từ ven nhà, đường làng, ngõ xóm đến kênh mương, ao hồ... Đó là hình ảnh không hiếm gặp ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Mỗi lần đi qua quốc lộ 10 đoạn từ Thành phố đi thị trấn Đông Hưng sẽ có nhiều người tự đặt câu hỏi tại sao trên đoạn đường liên tỉnh chạy qua khu dân cư đông người mà có nhiều bãi rác thải tự phát, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ thói quen, nhiều người đã “vô tư” xem việc vứt rác tại nơi công cộng mà không cần quan tâm đến môi trường sống quanh mình đang ngày càng trở nên ô nhiễm.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, ra quân dọn vệ sinh môi trường (VSMT), tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Rác thải sinh hoạt được người dân đóng thành bì, thành các túi nilon, lợi dụng lúc trời tối, một số người đã vứt rác bừa bãi... Theo bác Trần Văn Khoa, thị trấn Đông Hưng thì nếu mỗi người dân tự ý thức, tự mang rác bỏ vào các thùng rác công cộng thì tôi nghĩ nó giảm được rác thải và giảm đi những cái độc hại cho chính cuộc sống của người dân chúng ta. Còn theo bác Nguyễn Thị Huệ thì rác nằm ngay trên bờ ruộng, nằm dọc các đường đi, trôi nổi trên mặt nước và không biết đến bao giờ thói quen vứt rác và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định của người nông dân được chấm dứt khi mà nhiều người vẫn còn tư tưởng “sạch nhà ta, mặc nhà hàng xóm”. Trên quốc lộ đã thế, đường làng cũng trở thành những điểm tập kết rác thải sinh hoạt bất đắc dĩ, nhất là những đoạn đường thưa vắng người qua lại, trên các con đường dẫn ra cánh đồng làng với bao nhiêu là bao nilon, rác thải sinh hoạt. Từ nhiều năm nay, trên đường đê dọc sông Trà Lý đoạn qua các xã Trọng Quan, Đồng Phú, (Đông Hưng) tồn tại nhiều bãi rác thải nhỏ tự phát gây ô nhiễm môi trường. Biết việc xả rác thải như vậy ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình nhưng vì chưa có cách xử lý nào phù hợp nên nhiều người vẫn  “nhắm mắt làm ngơ”, đến khi môi trường bị ô nhiễm thì cũng chỉ biết than phiền, đây thực sự là điều đáng báo động cho vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay.

Theo ông Đào Minh Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng thì toàn huyện có 99 bãi rác tự phát không bảo đảm về VSMT. Cùng với đó, tình trạng đổ rác tại địa phận giáp ranh giữa các xã vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát. Mặc dù các địa phương đã quy hoạch khu xử lý rác thải theo tiêu chí nông thôn mới, từ 1 - 2 bãi rác/xã, bảo đảm khoảng cách từ 300m trở lên so với khu dân cư. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một bãi rác cần kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, chưa kể chi phí đầu tư làm đường ra bãi rác. Hiện, hầu hết đường ra các bãi rác vẫn chưa được cứng hóa, chủ yếu là đường đất, gây khó khăn cho việc chuyên chở, nhất là vào mùa mưa. Ông Đặng Phong Ba, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến nay 100% các xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải; kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và thu phí VSMT từ các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân phát sinh rác thải.

Ngoài khu vực Thành phố do Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Đô thị, 35 xã đầu tư khu xử lý rác thải gắn với xây dựng nông thôn mới; 3 thị trấn, 2 xã đầu tư lò đốt rác thải; còn lại hầu hết rác thải các xã được thu gom, đổ tại các bãi rác thải tự phát của xã, thôn như khu vực đầm trũng, ruộng hoang hóa. Toàn tỉnh có khoảng 380 bãi rác tự phát không bảo đảm về VSMT, trong đó nhiều nhất là huyện Đông Hưng 99 bãi rác, Quỳnh Phụ 70 bãi rác, Thái Thụy 55 bãi rác, Hưng Hà 53 bãi rác… Trong khi đó, do nguồn vốn sự nghiệp môi trường còn ít, mức thu phí VSMT ở khu vực nông thôn thấp (2.000 - 5.000 đồng/hộ/tháng đối với các xã, các thị trấn từ 8.000 - 10.000 đồng/hộ/tháng) và tỷ lệ người dân tham gia đóng thấp, địa phương không có nguồn kinh phí hỗ trợ nên kinh phí trả cho công nhân thu gom rất thấp (1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, công nhân không gắn bó với công việc hay bỏ việc giữa chừng, lại khó tìm người thay thế nên công tác thu gom rác thải thường xuyên bị gián đoạn, rác thải bị ứ đọng trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, xây dựng NTM luôn hướng đến môi trường xanh, sạch, đẹp nhưng vẫn còn đây đó không ít làng quê, đồng ruộng, người nông dân vẫn chưa nhận ra những hiểm họa từ ô nhiễm môi trường. Khi ý thức tự giác của người dân chưa cao thì vấn đề VSMT vẫn đang là một trở ngại lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Mặc dù đã có không ít chiến dịch truyền thông được tổ chức rộng khắp từ thành thị đến nông thôn nhưng xem ra việc nâng cao ý thức của  người dân về bảo vệ môi trường đến lúc phải cần đến những chế tài của pháp luật.

            Minh Nguyệt

  • Từ khóa