Thứ 7, 16/11/2024, 23:42[GMT+7]

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Thứ 2, 01/12/2014 | 08:39:49
2,553 lượt xem
Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2014 và ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014” (15/11 đến 15/12/2014). Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo về nội dung liên quan.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế

 

Phóng viên: Xin ông nói rõ về chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, tại sao lại tập trung vào chủ đề này?

 

Ông Phạm Văn Dịu: Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là một trong các mục tiêu của Chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011 - 2015. Ðây cũng là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS năm 2012, 2013 và năm 2014 chủ đề này vẫn tiếp tục được lựa chọn thực hiện.

 

Tập trung vào chủ đề "Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS" vì những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả. Việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn xảy ra với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là nguyên nhân làm hạn chế việc tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS của những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS, là rào cản lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS. Có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.

 

Do vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ðể mọi người dân hiểu, cảm thông và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014” được phát động với nhiều hoạt động hướng tới nội dung này.

 

Phóng viên: Vậy hoạt động chủ yếu của “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014” là gì, thưa ông?

 

Ông Phạm Văn Dịu: Hướng tới thực hiện mục tiêu “3 không” của Chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011 - 2015 gồm: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, hoạt động chủ yếu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 trên địa bàn tỉnh ta là truyền thông vận động thay đổi hành vi nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

 

Theo đó, các hoạt động chủ yếu được triển khai trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 là: Ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị; tổ chức hội nghị, hội thảo huy động nguồn lực của các địa phương, các sở, ban, ngành để bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; chia sẻ kinh nghiệm hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; chống kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao, người dân vùng sâu, vùng xa. Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, tuyên truyền vận động họ tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS. Ðồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động như lễ mít tinh và diễu hành; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các địa điểm công cộng...

 

Các hoạt động trên được đẩy mạnh trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian tập trung thực hiện trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014. Ngoài ra các hoạt động trên cũng cần được các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện nhằm từng bước loại trừ bệnh AIDS ra khỏi cộng đồng. 

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hà Dung (thực hiện)

 

Mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS:

 

- Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư.

- Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS.

- Nâng cao trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS thân thiện đến với mọi người dân.

 

  • Từ khóa