Thứ 2, 25/11/2024, 07:19[GMT+7]

Năm học trước thềm tuổi 50

Thứ 2, 15/11/2010 | 14:24:47
1,133 lượt xem
Khép lại năm học 2009-2010, thầy và trò trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật, đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học, với 7 kết quả và thành công nổi bật. Đây cũng là năm học có vị trí quan trọng trong tình cảm của lớp cán bộ đương chức: Năm trước thềm tuổi 50. Bởi vậy, ngay từ đầu năm học, cùng với đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; cán bộ giáo viên – CNV – HSSV nhà trường đang hướng tới mục tiêu lớn hơn và thi đua mừng nhà trường tròn tuổi 50.

Giờ thực hành trên máy. Ảnh: Ngọc Châu

Bài học đầu tiên và cũng được coi là thành công, khi nhà trường chọn kết quả thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vì trường CĐ KTKT là điển hình toàn quốc về cuộc vận động lớn.

 

Năm học 2009-2010, cuộc vận động tiếp tục được triển khai với chiều sâu và chất lượng tốt. Việc ghi “sổ học tập, rèn luyện, làm theo Bác”, “Sổ báo công học tập làm theo Bác” và thực hiện triết lý giáo dục của nhà trường “Hãy làm giàu tính nhân văn và niềm đam mê sáng tạo của cán bộ, giáo viên, HSSV”... được toàn trường hưởng ứng sôi nổi tạo ra những kết quả tích cực đang là động lực, là trung tâm cho quá trình phát triển nhà trường.

 

Tích cực chuyển dịch cơ cấu đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội, tập trung đào tạo cán bộ xã, phường, thị trấn có trình độ cao đẳng – đại học, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn Thái Bình. Nhà trường giữ vững quy mô và chất lượng đào tạo. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện phương thức đào tạo và cụ thể là đổi mới cách dạy, cách học, cách quản lý và thi cử...

 

Tổ chức cho sinh viên viết và bảo vệ luận văn về phát triển KT-XH với 19 tiêu chí phục vụ yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Tích cực đổi mới công nghệ đào tạo, có nhiều giải pháp sáng tạo, nâng cao chỉ số IQ cho người học để HSSV thích ứng với thị trường lao động; sớm chú trọng nâng cao khả năng tự học, tự đào tạo của HSSV, tổ chức tốt công tác nghiên cứu khoa học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao.

 

Để thực hiện mục tiêu trên, nhà trường đã phát động phong trào thi đua: “Đổi mới công nghệ đào tạo”, giảm thời lượng lý thuyết, tăng đi thực tế và đào tạo kỹ năng lên 15-20%. Đổi mới cách đi thực tập bằng cách kết hợp nghiên cứu theo nhóm chuyên đề và bảo vệ luận văn tại doanh nghiệp...

 

Với cách làm đó, chất lượng đào tạo ngày càng tăng; tỷ lệ khá, giỏi tăng từ 9% (2000) lên 30,5% (2004) và 36,5% (2009), được thị trường lao động chấp nhận; 86,5% sinh viên ra trường có việc làm ngay.

 

Hàng năm, có 3 đề tài cấp tỉnh, Bộ; 25 đề tài cấp trường, 30 đề tài cấp khoa, phòng... phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là năm đầu thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã xây dựng nội dung 3 công khai; trong đó: tập trung công khai về chất lượng giáo dục (chuẩn đầu ra); công khai về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) và công khai tài chính.

 

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình của Bộ GD-ĐT về: Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn 2010-2012, nhà trường coi đây là thời cơ và động lực để phát triển bền vững nên đã triển khai, thực hiện nghiêm túc; được báo cáo tại hội nghị sơ kết của Bộ GD-ĐT, tạo dư luận tốt.

 

Tích cực chủ động xây dựng tốt nền nếp kỷ cương trường học, là điển hình thực hiện cuộc vận động “Hai không”. Trong nhiều giải pháp nhà trường tập trung cho khâu trọng yếu là thi cử nghiêm túc; đây là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Hơn 10 năm qua, nhà trường được đánh giá là đơn vị có nền nếp kỷ cương: “Trường ra trường, lớp ra lớp”, “Thầy ra thầy, trò ra trò”, “Dạy ra dạy, học ra học”... tỷ lệ chuyên cần của HSSV đạt 98,2%. Tỷ lệ SV đi muộn, nghỉ học không lý do, vi phạm quy chế thi cử... hầu như không còn, giảm ba lần so với các năm trước.

 

Có nhiều sáng tạo và thành công trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, tạo ra phong trào say mê tự học, tự nghiên cứu; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên gương mẫu tận tụy, say mê nghề nghiệp, có nghiệp vụ chuyên môn vững, hết lòng vì người học là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững trong nhà trường.

 

Đến nay, nhà trường đã có 40% cán bộ trở thành “cán bộ quản lý giỏi”; 52% giáo viên dạy giỏi cấp trường; 10% giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia; 34% CSTĐ cấp trường, 12% cấp tỉnh và một CSTĐ toàn quốc. 50,6% giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ; phát huy dân chủ, khoa học, nhân văn trong lãnh đạo của cấp ủy và đảng viên là nhân tố  quyết định trong phát triển của nhà trường.

 

Với chủ đề: “Đoàn kết, dân chủ, nhân văn, sáng tạo, tăng cường đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, giữ vững điển hình, phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu chiến lược” được nêu trong Đại hội VIII Đảng bộ nhà trường, là sự phát triển liên tục, kế thừa và sáng tạo.

 

Một nhiệm kỳ kết nạp 38 đảng viên mới thể hiện sự chăm lo sức mạnh và trẻ hóa cho Đảng của đảng bộ nhà trường. Các đoàn thể quần chúng đều là điển hình trong hoạt động, được cấp trên đánh giá cao. Xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, toàn diện, là điển hình trong nhiều lĩnh vực của ngành và tỉnh, được dư luận đánh giá cao. Không có ở đâu như nhà trường đã sáng tạo trong đánh giá thi đua, xây dựng điển hình gồm: người quản lý giỏi, nghiên cứu KHKT, làm từ thiện giỏi...

 

Nhà trường nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Song phần thưởng lớn nhất mà xã hội dành cho trường Cao đẳng KTKT Thái Bình là uy tín, là thương hiệu.

 

Năm học trước thềm tuổi 50 như những đóa hoa thơm ngát đã nở rộ suốt 50 mùa hoa đã qua. Nhưng, năm học này kết lại với bao niềm tin còn ở phía trước và hành trang mà nhà trường có được đã làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm đào tạo, giảng dạy và học tập trên hành trình vào tuổi 50.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa