Chủ nhật, 17/11/2024, 11:42[GMT+7]

Đơn giản hóa thủ tục để thu hút đối tượng điều trị Methadone

Thứ 2, 10/08/2015 | 09:20:07
756 lượt xem
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt quy định tạm thời mức thu phí điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong các cơ sở y tế công lập tại tỉnh đã tạo được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đáp ứng nguyện vọng và nhận được sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người nghiện và gia đình họ. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã góp phần đưa Thái Bình trở th

Người bệnh làm thủ tục trước khi uống thuốc Methadone. Ảnh: Hà Anh

Đó là những đánh giá của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh sau khi kết thúc đợt giám sát thực tế việc thực hiện Nghị quyết số 14 tại các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Toàn tỉnh đã có 9 cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và trung tâm y tế 8 huyện, thành phố). Các cơ sở đã cơ bản hoàn thành việc bố trí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác điều trị Methadone theo quy định. Cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone gồm 10 người là cán bộ biên chế kiêm nhiệm và hợp đồng. Để phục vụ tốt cho các đối tượng, Sở Y tế và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội, các nhóm chuyên gia, nhóm hỗ trợ kỹ thuật của trung ương tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị. Đến ngày 2/4/2015, các cơ sở đã tiếp nhận và điều trị cho 1.373 người nghiện ma túy. Đồng chí Trần Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận: Qua giám sát, khảo sát thực tế cho thấy các cơ sở thu phí theo đúng quy định tại Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh và Quyết định số 1668 của UBND tỉnh; thủ tục thu phí, mức thu phí đều được niêm yết công khai tại cơ sở điều trị. Anh Ng. V. N, xã Tân Lập (Vũ Thư) cho biết: “Mức thu phí từ 5.000 - 10.000 đồng/người/ngày là hợp lý, người bệnh đến điều trị được cán bộ tư vấn, hướng dẫn cụ thể, khi thu phí đều có biên lai; sau một thời gian điều trị, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, tăng cân, tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng xảy ra không ít khó khăn, bất cập, vướng mắc dẫn đến thu hút bệnh nhân chậm. Trung tâm Y tế thành phố Thái Bình, đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Thái Bình, đến nay đã được 3 năm nhưng theo đồng chí Đặng Trung Nhã, Giám đốc Trung tâm thì mặc dù số lượng cán bộ làm việc tại cơ sở nhiều hơn các cơ sở khác 4 người nhưng bệnh nhân đông trên 300 người, cán bộ phải trực tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết, làm việc từ 6 giờ sáng, nên bị nhiều áp lực. Bệnh nhân là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao song cán bộ chưa có phụ cấp độc hại… Vì vậy, đồng chí đề nghị bổ sung cán bộ, có cơ chế, chính sách phù hợp để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. Đối với Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, không chỉ khó khăn về cán bộ, về kinh phí, trang thiết bị mà ngay cả việc thu hút bệnh nhân đến cơ sở điều trị cũng gặp khó khăn, nguyên nhân chủ yếu theo đồng chí Đỗ Thiện Khuyến, Giám đốc Trung tâm là việc xác nhận vào hồ sơ, thủ tục tham gia điều trị của bệnh nhân tại một số địa phương còn khó khăn. Huyện Hưng Hà được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, vào cuộc tích cực để giảm thủ tục phiền hà, thu hút đối tượng đến cơ sở điều trị nhưng vẫn phải đối mặt với việc thu không đủ chi do một số bệnh nhân chây ỳ không nộp lệ phí…

Để nâng cao hiệu quả của Đề án, giúp các cơ sở điều trị Methadone đưa Nghị quyết số 14 vào cuộc sống, đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tăng cường đầu tư ngân sách cho các cơ sở điều trị, đẩy mạnh xã hội hóa. Sở Y tế nghiên cứu bố trí, sắp xếp nhân lực và thời gian làm việc của cán bộ tại các cơ sở điều trị hợp lý, hiệu quả; phối hợp với Sở Tài chính có hướng dẫn thu, chi cho các cơ sở điều trị; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn, quản lý thuốc Methadone, xử lý nghiêm vi phạm; đổi mới và đơn giản hóa các thủ tục, phương thức để thu hút đối tượng vào điều trị…

Với những hiệu quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 14, thời gian tới, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các cơ sở điều trị Methadone thì mục tiêu giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, giảm tình trạng vi phạm pháp luật của người nghiện, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh sẽ sớm đạt được.

Thu Hiền

  • Từ khóa