Thứ 7, 16/11/2024, 07:52[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2015) Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành

Thứ 4, 09/09/2015 | 08:38:00
1,334 lượt xem
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với việc thành lập Chính phủ và chính quyền các cấp, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C/SL thành lập các tòa án quân sự với nhiệm vụ “xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, đánh dấu sự ra đời của hệ thống tòa án nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 13/9 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Tòa án nhân dân.

 

Tại Thái Bình, sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập và ngay sau đó, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh cũng được thành lập để xét xử những tên Việt gian phản động, bảo vệ chính quyền non trẻ. Từ khi thành lập đến nay, hệ thống tòa án hai cấp ở Thái Bình luôn vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu công tác xét xử, góp phần tích cực giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Những ngày đầu mới được thành lập, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh đã tổ chức xét xử một số tay sai của Nhật, Pháp, góp phần diệt ác, trừ gian. Trong giai đoạn 1960 - 1975, nhiệm vụ của ngành Tòa án Thái Bình là xét xử phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, hệ thống tòa án Thái Bình tập trung xét xử bọn phản cách mạng, bảo vệ công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hệ thống tòa án hai cấp ở Thái Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức; tổ chức kiện toàn bộ máy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Từ năm 2002 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, đặc biệt là Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, căn cứ chương trình hành động của Tòa án nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, hệ thống tòa án hai cấp trong tỉnh đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức thực hiện Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 và yêu cầu của hệ thống tòa án nhân dân về đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử, đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, chất lượng xét xử được nâng lên, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có vụ án xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Quyền của bị cáo, luật sư, đương sự được thực hiện đầy đủ. Nội dung phiên tòa bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xét hỏi, tranh luận thực sự bình đẳng, dân chủ, phán quyết đều dựa vào các căn cứ, tình tiết được đưa ra tại phiên tòa, khắc phục được tình trạng phiến diện, hình thức, bảo đảm tính độc lập của các thành viên hội đồng xét xử.

 

Về công tác giám đốc kiểm tra, 5 năm qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã kiểm tra 100% bản án và quyết định ngay sau khi ban hành. Qua công tác kiểm tra đã tham mưu cho lãnh đạo đánh giá chất lượng công tác xét xử, đồng thời rút kinh nghiệm kịp thời những hạn chế, thiếu sót. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được coi trọng. Công tác thi hành án hình sự được quan tâm, đã ra 100% quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Những trường hợp tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, xét giảm án tha tù bảo đảm đúng quy định. Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm tra công tác thi hành án hình sự, qua đó đánh giá kết quả công tác thi hành án và uốn nắn kịp thời sai sót, đồng thời thống nhất biện pháp kêu gọi bị án đang trốn thi hành án.

 

 

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh trao đổi nghiệp vụ với thẩm phán, thư ký.

 

Với việc thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp, những năm qua, chất lượng công tác xét xử của tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh việc làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại án và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, các mặt công tác khác của hệ thống tòa án hai cấp ở Thái Bình cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao luôn được quan tâm, duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, các tập thể, đội ngũ cán bộ, công chức hệ thống tòa án hai cấp ở Thái Bình luôn tích cực tham gia đóng góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ vì người nghèo, quỹ tình nghĩa... Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án Thái Bình đã đóng góp 60 triệu đồng ủng hộ xã Thụy Việt (Thái Thụy).

 

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của ngành Tòa án Thái Bình 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Tòa Hình sự và Tòa án nhân dân các huyện Tiền Hải, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, thành phố Thái Bình được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và được Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, UBND tỉnh tặng Bằng khen...

 

Trong giai đoạn 2010 - 2015, hệ thống tòa án Thái Bình đã giải quyết 17.331 vụ, việc/17.652 vụ, việc, đạt tỷ lệ 98,2%, trong đó:

  • Án hình sự thụ lý, giải quyết 5.366 vụ, đạt tỷ lệ 99,2%
  • Án dân sự giải quyết 2.299 vụ, việc, đạt tỷ lệ 97,5%
  • Án hôn nhân và gia đình giải quyết 9.256 vụ, việc, đạt tỷ lệ 97,8%
  • Án kinh doanh thương mại - lao động - hành chính giải quyết 253/270 vụ, đạt tỷ lệ 93,7%
  • Trung bình hàng năm, tòa án hai cấp Thái Bình giải quyết trên 3.400 vụ, tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự đều đạt trên 98%, các loại án khác trên 95%, không có vụ án nào bị oan, bỏ lọt tội phạm
  • Tỷ lệ án bị hủy, sửa thấp (án hủy 0,5% trong khi Tòa án nhân dân tối cao quy định 1,16%; án sửa 1% trong khi Tòa án nhân dân tối cao quy định 3%)

 

Nguyễn Thị Sen

Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh

  • Từ khóa