Thứ 6, 15/11/2024, 05:31[GMT+7]

Giới trẻ thời @

Thứ 4, 26/01/2011 | 15:34:42
2,862 lượt xem
Câu chuyện về giới trẻ, về những con người trẻ vẫn còn khá nhiều điều để ta phải suy nghĩ. Đối với tôi, tuổi trẻ là khoảnh khắc quý giá nhất của mỗi con người, bởi tất cả dự định và tương lai sẽ được định đoạt bởi chính giờ khắc này.

Thanh niên tình nguyện tham gia công tác bảo đảm trật tự giao thông. Ảnh: Hiền Trâm

Sinh thời Bác Hồ từng nói "Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, phần lớn là do thanh niên". Trong thời @, công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như vũ bão, kết nối internet, làm việc trên vi tính, chỉ cần cái click chuột là có thể nói chuyện với người bên kia bán cầu. Và một câu hỏi đặt ra: Lý tưởng sống của giới trẻ thời @ là gì?

Mỗi thời, với điều kiện lịch sử của mình, đều có một sứ mệnh nhất định. Giới trẻ ngày nay ý thức được rằng họ có sứ mệnh làm cho bản thân mình, gia đình mình, nhân dân mình được sống một cuộc sống văn minh trong ấm no, hạnh phúc và họ có quyền lựa chọn đường đi cho thế hệ mình. Mỗi một thời đại, một hoàn cảnh lịch sử mà thế thệ thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, những lý tưởng sống và suy ngẫm riêng.

Bài học của các thế hệ đi trước luôn là những bài học vô giá để lớp hôm nay học hỏi, tiếp thu. Nhưng không thể lấy thước đo của ngày hôm qua để áp dụng vào ngày hôm nay, không thể đem thế hệ trước so sánh, áp đặt lý tưởng cho thế hệ sau. Đơn giản vì mỗi thế hệ có một môi trường riêng, một nhận thức, một hoàn cảnh và một sứ mệnh riêng.

Ngược với những phê phán, nhận xét về thái độ "bàng quan với thời cuộc", giới trẻ thời @ đã khẳng định tiếng nói và lý tưởng sống của mình. Đó là ra sức phấn đấu cho mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo. Nếu lớp trẻ khi xưa đấu tranh vì khát vọng cháy bỏng, quét sạch quân thù, đem lại "hoà bình, độc lập, tự do" cho đất nước, thì lớp trẻ hôm nay cũng tự gắn mình với nhiệm vụ đấu tranh chống đói nghèo lạc hậu, nuôi dưỡng bản thân, gia đình, đưa đất nước phát triển và hội nhập sánh vai cùng các cường quốc khắp "năm châu, bốn biển".

Cuộc sống hiện đại, khoa học kỹ thuật tiến bộ, thói quen hàng ngày của giới trẻ thời @ không gói gọn trong bốn bức tường chỉ có học, học và học. Nó được mở rộng hơn với rất nhiều những hoạt động thú vị như: Chiến dịch mùa hè xanh, với những bóng áo xanh tình nguyện toả đi khắp mọi miền Tổ quốc, đến những vùng khó khăn giúp đỡ nhân dân nghèo vùng sâu, vùng xa hay những chuyến đi ngắn ngày chỉ đơn giản là chia sẻ quà bánh cho trẻ em ở các làng trẻ mồ côi, hay những đoàn "blu trắng" vượt đèo, lội suối đến những bản làng vùng sâu, vùng xa khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con… Tất cả đều xuất phát từ lòng tình nguyện và sự yêu thương giống nòi.

Những đợt thi đua, những phong trào noi gương chị Trâm, anh Thạc được tổ chức bởi thanh niên. Hai con người, hai chiến sĩ của thời đại trước đã làm nên sức hút, tiếp lửa truyền thống và tạo thành một làn sóng mạnh mẽ trong giới trẻ thời @. Họ đã tìm thấy ở những người thanh niên lớp trước sự đồng cảm ở tinh thần tình nguyện, cống hiến, xả thân. Lớp trẻ hôm nay luôn sẵn sàng và cũng đầy nhiệt huyết để đảm nhận những công việc lớn lao hơn cho đất nước không kém gì các bậc cha anh.

Nhưng hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận một bộ phận thanh niên vẫn đang sống buông thả, chạy theo chủ nghĩa thực dụng. Họ sống hờ hững với những gì diễn ra xung quanh, sống theo quan niệm "được đến đâu hay đến đó", "nước đến chân mới nhảy"…

Và mục tiêu của phần lớn các bạn trẻ thời @ là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, kiếm thật nhiều tiền để có thể thoả mãn nhu cầu cuộc sống của riêng mình. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin, dễ tiếp cận các phương tiện truyền thông, được khám phá nhiều nền văn hoá trên thế giới và lại là lớp người nhạy bén với sự đổi thay nên họ bắt chước và học hỏi rất nhanh, coi đó là sành điệu, là thể hiện đẳng cấp của mình.

Thế nên bây giờ không khó lắm khi thấy giới trẻ được gọi là: teen, hot boy, hot girl ăn mặc hở hang, tóc tai dựng ngược, xanh đỏ, đi vũ trường, xài thuốc lắc, quan hệ tình dục rồi đưa nhau đến các cơ sở y tế nạo phá thai… những chuyện mà phổ biến tới mức ai cũng cho đó là chuyện "bình thường". Những lỗi lầm này đừng đổ tại cho cơ chế thị trường, toàn cầu hoá… mà chắc chắn có một phần lớn trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, khi họ mải lo kiếm tiền, tiến thân cho kịp sự phát triển của xã hội mà quên đi bổn phận và trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái.

"Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng tê tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, mà có thể nói rằng: Tất cả đời mình ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…" (Trích trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy). Bởi vậy, mỗi chúng ta, những thanh niên thời @  cần sống có lý tưởng cao đẹp hơn, vì một Việt Nam phát triển bền vững; xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa