Thứ 2, 25/11/2024, 05:54[GMT+7]

"Sẽ tìm mọi biện pháp để giúp đỡ người lao động trở về từ Libya"

Thứ 2, 14/03/2011 | 08:52:32
1,370 lượt xem
Trong những ngày qua, tình hình mất ổn định tại Libya đã làm cho hàng chục nghìn lao động Việt Nam, trong đó có hơn một trăm lao động Thái Bình đang làm việc tại quốc gia này phải trở về nước trước thời hạn. Điều đó sẽ khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Đặng Khiêu, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) tỉnh về những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người lao động trở về từ Libya.

Lao động Việt Nam trở về từ Libya qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết số lượng lao động Thái Bình đã đi làm việc tại Libya thời gian qua và tình hình của họ hiện nay ra sao?

Đồng chí Đặng Khiêu: Theo báo cáo chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp và danh sách do Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – TBXH cung cấp, Thái Bình có trên 150 lao động đi XKLĐ tại Libya, trong đó chủ yếu là lao động làm nghề xây dựng do Công ty Vinaconex – MEC, Công ty vận tải biển và XKLĐ tuyển và đưa đi.

Đến ngày 9/3/2011, đã có trên 100 lao động của tỉnh về nước, cụ thể như sau: 53 lao động của Vinaconex – MEC; 19 lao động của Công ty Sona; 17 lao động của Công ty vận tải biển và XKLĐ; 16 lao động của Công ty Letco; 2 lao động của Công ty Airserco, số còn lại đang tạm trú ở nước thứ ba như Tuy-ni-di, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta... Chiều ngày 9/3 đã có thêm 5 lao động của tỉnh về đến Việt Nam.

Nhìn chung, mọi người lao động đều an toàn, được chính quyền sở tại, các tổ chức quốc tế và người chủ sử dụng lao động cung cấp lương thực, đồ uống và bố trí ở tạm tại khu nhà chờ của các sân bay và một số nhà thờ, ký túc xá, sau đó đã được Chính phủ nước ta hỗ trợ đưa về nước.

Phóng viên: Sau khi trở về, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh, ngành Lao động – TBXH sẽ có những biện pháp gì để giúp đỡ họ ổn định cuộc sống?

Đồng chí Đặng Khiêu: Trước tình hình trên, ngày 01/3/2011, Sở Lao động – TBXH - cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh đã chủ động ban hành hai văn bản: Một văn bản gửi các doanh nghiệp đã tuyển lao động của tỉnh cung ứng cho thị trường Libya đề nghị có các biện pháp phối hợp để sớm đưa người lao động Việt Nam (trong đó có lao động của tỉnh) về nước, đồng thời tạm dừng việc tuyển chọn lao động của tỉnh đưa đi Libya đến khi có thông báo của Bộ Lao động – TBXH. Văn bản thứ hai gửi UBND, Ban chỉ đạo XKLĐ các huyện, thành phố thông báo tình hình lao động Việt Nam, trong đó có lao động người Thái Bình tại Libya, đề nghị các huyện, thành phố thông báo đến các xã, phường, thị trấn và thông báo đến gia đình những người đi làm việc tại Libya về những thông tin liên quan đến người thân của họ. Khi người lao động trở về địa phương, Sở Lao động – TBXH sẽ đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người lao động, trước mắt đề nghị chính quyền địa phương nơi người lao động thường trú tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên; thứ hai là đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét để có chính sách hỗ trợ những lao động đã vay vốn để đi XKLĐ tại Libya; thứ ba là xem xét hỗ trợ người lao động về việc làm theo hai phương án:

Phương án thứ nhất, nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục đi XKLĐ thì liên hệ với Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) thuộc Sở Lao động – TBXH để được tư vấn về các thị trường lao động phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân họ.

Phương án thứ hai, nếu người lao động có nhu cầu được làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh thì thông qua Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm GTVL để lựa chọn, đăng ký. Sở Lao động – TBXH sẽ đề nghị các doanh nghiệp của tỉnh xem xét, tiếp nhận người lao động vào làm việc theo khả năng, trình độ và tay nghề của họ.

Nếu những lao động trở về từ Libya có nhu cầu học chuyển đổi nghề nghiệp thì liên hệ với Trung tâm GTVL thuộc Sở Lao động – TBXH để được tư vấn học nghề, trong đó có thể được xem xét đào tạo nghề có hỗ trợ kinh phí.

Cùng với những biện pháp trên, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Lao động – TBXH và các cơ quan chức năng căn cứ quy định của pháp luật xem xét có chính sách hỗ trợ đối với người lao động phải về nước trước thời hạn do tình hình mất ổn định tại Libya.

Phóng viên: Trước tình hình vừa qua, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh, Sở Lao động - TBXH có biện pháp gì nhằm bảo đảm việc thực hiện chỉ tiêu đưa lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ XKLĐ của tỉnh trong thời gian tới?

Đồng chí Đặng Khiêu: Tình hình mất ổn định chính trị tại Libya và một số nước khu vực Bắc Phi đã ảnh hưởng một phần đến kế hoạch XKLĐ của tỉnh, làm giảm chỉ tiêu XKLĐ đi các nước khu vực Bắc Phi (mục tiêu XKLĐ năm 2011 là 3.000 người, dự kiến đạt 2.700 người). Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn duy trì thường xuyên trên 20 nghìn lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài (vì lao động của tỉnh đi XKLĐ ở Libya không nhiều).

Để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu đưa lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ XKLĐ của tỉnh trong thời gian tới, sau khi có thông báo của Bộ Lao động – TBXH, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh sẽ đề nghị các doanh nghiệp được giới thiệu về địa phương tăng cường công tác tuyển chọn lao động, trong đó đặc biệt lưu ý ưu tiên cho những lao động từ Libya trở về nước trước thời hạn, đưa đi làm việc tại các thị trường ổn định, an toàn hơn như Đài Loan, Ma-cao, Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn.

 Minh Sơn

 

  • Từ khóa