Thứ 6, 15/11/2024, 17:42[GMT+7]

Ngành Thi hành án dân sự: 70 năm lớn mạnh cùng quê hương, đất nước

Thứ 2, 18/07/2016 | 08:26:01
922 lượt xem
Cách đây 70 năm, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Ðây là mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành Thi hành án dân sự (THADS). Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg công nhận ngày 19/7 hàng năm là ngày truyền thống của ngành THADS.

Ký kết quy chế phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thái Bình.

 

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, công tác THADS được chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL và Sắc lệnh số 130/SL quy định về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án. Theo quy định tại các văn bản trên, từ năm 1946 đến năm 1950 hoạt động THADS trở thành một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã - một đơn vị, tổ chức của chính quyền cách mạng, gắn liền với Tòa án và hoạt động xét xử thực hiện. Việc THADS thể hiện quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế. Từ năm 1950 - 1960, công tác THADS có sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động với việc ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”. Theo quy định này, việc THADS do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã được giao cho thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chánh án. Từ năm 1960 - 1992, trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, ngành THADS đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 1/7/1993, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản liên quan, THADS được hình thành hệ thống độc lập (tách ra từ tòa án). Ðây là dấu mốc quan trọng, thực sự là điều kiện để THADS xốc lại hành trang, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Tiếp đó, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Thi hành án dân sự; ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Tố tụng hành chính; ngày 25/11/2014, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015... Các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để ngành THADS tiếp tục hoàn thiện thể chế; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế công chức;  tăng cường cơ sở vật chất… bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác THADS.

 

Cùng với ngành THADS cả nước, để đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề mà Ðảng và nhân dân giao phó, ngay từ những ngày đầu thành lập, ngành THADS Thái Bình đã nỗ lực bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy. Sau tháng 6/1993, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, công tác THADS được chuyển giao từ tòa án sang các cơ quan Chính phủ quản lý. Cơ quan thi hành án ở cấp tỉnh là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, ở cấp huyện là đội thi hành án thuộc phòng tư pháp. Giai đoạn năm 2004 - 2008, các cơ quan THADS đã có nhiều thay đổi căn bản về tên gọi và vị thế. Ðặc biệt từ năm 2009 đến nay là giai đoạn có nhiều đổi mới quan trọng. Các cơ quan THADS tỉnh, huyện, thành phố do Sở Tư pháp quản lý về mặt tổ chức đã thành lập Cục THADS tỉnh và 8 chi cục THADS các huyện, thành phố. Khi nhận chuyển giao công tác THADS từ Tòa án (tháng 7/1993), tổng số cán bộ có 39 đồng chí trong đó có 21 đồng chí là chấp hành viên, 18 cán bộ thủ kho, văn thư đánh máy; cơ sở vật chất như trụ sở, phương tiện làm việc gần như không có. Ðến nay, tổng số biên chế của toàn ngành được giao là 105 người, ngoài ra còn 30 hợp đồng 68 và 1 hợp đồng kế toán. Trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, chấp hành viên không ngừng được nâng cao, đáp ứng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của 9/9 đơn vị đã được xây dựng, nhiều đơn vị còn đầu tư xây dựng kho vật chứng; phương tiện làm việc được trang bị khá đầy đủ. Thành công trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần mang lại kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của ngành THADS. Sau khi bàn giao từ tòa án sang, khối lượng công việc do cơ quan thi hành án đảm nhận không ngừng tăng lên cả về số việc và số tiền phải thi hành. Từ khi thành lập Cục đến nay (2010 - 2015), tổng số việc phải thi hành là 28.367 việc bằng 1.307.246.659.000 đồng, tổng số việc tiền đã giải quyết là 26.101 việc   bằng 842.945.533.000 đồng, trong đó đã thi hành xong 22.792 việc bằng 223.958.905.000 đồng.  Ngoài ra, các mặt công tác khác đều có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp cách mạng mới.

 

 

Lực lượng thi hành án dân sự và công an Trại tạm giam Công an tỉnh bàn phương án phối hợp công tác.

 

Ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu và trưởng thành đó, Ðảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân trong toàn ngành THADS Thái Bình. Từ năm 1993 đến nay, có 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 5 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 40 lượt tập thể và 60 lượt cá nhân được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh; 5 lượt tập thể được tặng cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh; 5 lượt cá nhân được công nhận chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh và nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng khác. Ngay trong dịp chào mừng 70 năm ngày truyền thống ngành THADS, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phát động đợt thi đua “cao điểm thi hành án”, kết quả đã có 3 tập thể và 4 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; 1 tập thể và 1 cá nhân được Tổng cục Thi hành án dân sự tặng giấy khen.

 

Ông Hoàng Văn Túy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

 

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác THADS, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tiền Hải đã cùng với Cục THADS tỉnh chỉ đạo, kiểm tra sát sao công tác thi hành án trên địa bàn huyện.  5 năm qua, Ban Chỉ đạo THADS huyện chỉ đạo Chi cục THADS huyện phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thụ lý 2.278 việc, đã giải quyết 1.911 việc, chuyển kỳ sau 367 việc. Trong đó, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Cùng với vận động, thuyết phục các đối tượng tự nguyện THADS, đối với những trường hợp chây ỳ, chống đối, huyện đã tổ chức thực hiện cưỡng chế 4 vụ tại các xã Tây Giang, An Ninh và Nam Hà.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Đội trưởng Đội Tham mưu (Trại tạm giam Công an tỉnh)

 

 Những năm qua, Trại tạm giam Công an tỉnh đã phối hợp với Cục THADS tỉnh thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 07/2013/BTP-BCA-BTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người thi hành án và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS và phạm nhân. Qua đó bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thực thi bản án.

 

Bà Bùi Thị Hương, Chủ tịch UBND phường Đề Thám (thành phố Thái Bình)

 

 Cấp ủy, chính quyền phường xác định công tác THADS là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Do vậy, trong những năm qua, phường Đề Thám luôn quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án, tổ chức thực hiện thành công, an toàn, đúng luật nhiều vụ việc thi hành án trên địa bàn phường. Tiêu biểu là vụ việc vận động 9 hộ thuê gian hàng của Công ty Điện tử Thái Bình, các đương sự đã tự nguyện chấp hành thực hiện bản án, giúp giảm tính phức tạp, chi phí trong thi hành bản án, được nhân dân đồng thuận cao.

 

Ông Bùi Văn Hải, tổ 19, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình)

 

 Là người được thi hành án theo bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, khi tôi có đơn đề nghị thi hành, Chi cục THADS thành phố Thái Bình đã hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các ban, ngành hữu quan, nhất là với cơ quan công an tích cực vận động, thuyết phục người phải thi hành án hoàn trả lại tài sản cho gia đình, không phải cưỡng chế, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình tôi. Trong quá trình làm việc, cán bộ của Chi cục nhiệt tình, khách quan, vô tư, không có biểu hiện sách nhiễu, cửa quyền.

 

Phan Lợi - Mạnh Thắng

  • Từ khóa