Thứ 7, 16/11/2024, 08:53[GMT+7]

Tỏa sáng đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Thứ 3, 26/07/2016 | 17:22:27
1,047 lượt xem
Tháng bảy, mùa tri ân những người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc lại về, thành kính, thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

"Đang khi Tổ quốc lâm nguy…, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…" - đó là lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến toàn Đảng, toàn dân trong năm đầu tiên kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947). Trải qua gần 70 năm, khắc ghi lời dạy của Người, tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, dù trong giai đoạn đất nước còn đang chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề đến thời kỳ hòa bình, trong giai đoạn đang phát triển như hiện nay, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng vẫn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta quan tâm, thực hiện chu đáo, nặng nghĩa ân tình. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào đẹp, lan tỏa mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, không chỉ nhân lên sức mạnh đoàn kết, tình nhân ái, nhân nghĩa trong cộng đồng mà qua đó còn tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp các gia đình, đối tượng chính sách vượt qua nỗi đau hậu chiến, vững vàng đứng lên, ra sức thi đua học tập, lao động, tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước.

Là địa phương có nhiều đóng góp sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đi đầu trong phong trào "thóc thừa cân, quân vượt mức" trong kháng chiến chống Mỹ, Thái Bình là tỉnh có số lượng thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách cao trong cả nước. Cùng với cả nước, thấm nhuần đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", việc giải quyết chế độ, chính sách, chăm lo cho người và gia đình có công với cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm sâu sắc, thực hiện tích cực, thể hiện sự tri ân vô hạn của các thế hệ hôm nay với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã đi vào đời sống cộng đồng và tình cảm của mỗi người. Bằng nhiều nguồn kinh phí huy động, toàn tỉnh đã cải tạo, mở rộng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng, sửa chữa hàng nghìn nhà ở cho các gia đình chính sách… Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" đã mang lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn, tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, vươn lên bằng ý chí và nghị lực, ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 70.000 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 98,3% hộ người có công có mức sống trung bình trở lên song chúng ta cũng còn không ít trăn trở, day dứt khi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số gia đình người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, vẫn còn hồ sơ tồn đọng trong giải quyết chế độ cho người có công.

Kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ghi lòng tạc dạ hy sinh lớn lao của các thế hệ đi trước, mỗi tập thể, cá nhân hãy có những hành động thiết thực tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; tích cực giúp đỡ, hỗ trợ để không còn gia đình người có công khó khăn, không để những người đã chịu mất mát hy sinh phải thiệt thòi. Đó là đạo lý truyền thống, là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng của mỗi chúng ta!

Thái Bình

  • Từ khóa