Thứ 6, 15/11/2024, 05:06[GMT+7]

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thứ 2, 12/09/2016 | 14:19:02
1,445 lượt xem
Sáng ngày 12/9, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do đồng chí Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn về việc nghiên cứu, triển khai thí điểm giải quyết tồn đọng hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Tâm.

 

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nội vụ.

 

Theo kết quả tổng rà soát, toàn tỉnh có 100.666 đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chế độ chính sách, chiếm 98,37%; số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách là 292 đối tượng, chiếm 0,28%; số đề nghị xác nhận người có công là 1.342 đối tượng, chiếm 1,31%; số đối tượng hưởng sai chế độ chính sách là 30 trường hợp. Sau tổng rà soát, tỉnh đã tiến hành xử lý, theo đó: 2 đối tượng là thương binh hưởng trợ cấp chưa đúng với tỷ lệ thương tật đã được điều chỉnh trợ cấp đủ theo quy định; 290 trường hợp là người có công chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở đã được tập hợp báo cáo các cấp, các ngành xem xét giải quyết; đã dừng trợ cấp 13 trường hợp hưởng sai chế độ chính sách; hướng dẫn đối tượng bổ sung hoàn thiện hồ sơ tiếp tục hưởng trợ cấp 6 trường hợp...

 

Hiện nay, toàn tỉnh còn tồn đọng 94 hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đối tượng là liệt sĩ tồn đọng 88 trường hợp; thương binh tồn đọng 282 trường hợp; bệnh binh tồn đọng 2 trường hợp; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tồn đọng 151 trường hợp; người có công giúp đỡ cách mạng tồn đọng 2 trường hợp; các đối tượng khác 8 trường hợp (đối tượng tiền trạm kinh tế mới không xem xét giải quyết trong lĩnh vực người có công).

 

Để giải quyết cơ bản số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND tỉnh thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng theo hướng căn cứ vào chứng thực của người làm chứng có ý kiến của đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quân đội trong việc cấp giấy báo tử cho trường hợp không có hồ sơ liệt sĩ làm cơ sở đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công, hoàn thiện hồ sơ đề nghị theo quy định. Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, được sử dụng một trong các loại giấy xác nhận gồm: giấy xác nhận của đơn vị cũ về quá trình công tác của đối tượng; trường hợp đơn vị cũ giải thể lấy giấy xác nhận của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý hoặc cơ quan kế thừa; giấy chứng nhận thân nhân đã hưởng trợ cấp B thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được lưu giữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; giấy xác nhận thời gian công tác trong quân đội của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kèm bản sao hồ sơ, giấy tờ lưu trữ làm căn cứ xác nhận.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng những hồ sơ tồn đọng trên địa bàn tỉnh đều là những trường hợp còn vướng mắc, phức tạp; việc triển khai giải quyết các hồ sơ tồn đọng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh trong việc chủ động xây dựng Kế hoạch giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng; đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh bảo đảm người có công được hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo quy định, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Việc giải quyết chính sách phải bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật; phát huy đúng trách nhiệm của từng cấp, từng lực lượng. Trước mắt là tập trung xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận các đối tượng là liệt sĩ, thương binh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong quá trình triển khai giải quyết các hồ sơ tồn đọng.

 

Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai làm tốt việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc giải quyết chế độ cho những đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

 

Đào Quyên

  • Từ khóa