Thứ 7, 23/11/2024, 09:21[GMT+7]

Người cầm bút cần giữ tâm trong sáng

Thứ 6, 18/11/2016 | 20:00:07
1,144 lượt xem
Ngày 18/11, Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức hội thảo báo chí khu vực đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Tại hội thảo có nhiều ý kiến tham luận về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo với những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, tuy nhiên đều chung quan điểm: Người cầm bút cần giữ tâm trong sáng.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, nhà báo Vũ Anh Thao, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Thái Bình khẳng định: Những năm qua, báo chí cả nước nói chung, báo chí Thái Bình nói riêng đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, chất lượng nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương. Không ít nhà báo đã dũng cảm, sẵn sàng dấn thân, không quản ngại vất vả, khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để tìm tòi, giới thiệu những điển hình tiên tiến, những người tốt, việc tốt hay điều tra, phê bình, đi tới tận cùng sự thật, góp phần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chế độ, đóng góp cho sự phát triển chung của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận vẫn không ít lần lên tiếng về một bộ phận người làm báo có biểu hiện trái đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của những nhà báo chân chính, làm cho xã hội mất niềm tin vào nhà báo nói riêng, báo chí nói chung. Đồng quan điểm với nhà báo Vũ Anh Thao, nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng cho rằng: Thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí đã bị xử phạt, nhắc nhở, một số tổng biên tập bị tạm đình chỉ chức vụ, phóng viên bị tước thẻ nhà báo do có sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ, dần đánh mất đi niềm tin xã hội với báo chí, nhiều cơ quan, doanh nghiệp "sợ" báo chí đã cho thấy vấn đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cần phải được coi trọng hơn bao giờ hết. Hiện tượng nhà báo, cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật, bóp méo sự thật không còn là chuyện hiếm. Một số người làm báo lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa của người làm báo, của tòa soạn mình đang công tác làm một số việc trục lợi cho bản thân, câu kết tạo lợi ích nhóm, chào mời quảng cáo, thậm chí dọa nạt, ra giá, tống tiền cơ sở..., vi phạm Luật Báo chí nói riêng, pháp luật nói chung, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo và những người làm báo. Một số phóng viên ngang nhiên sao chép (thậm chí sao chép nguyên xi tác phẩm của người khác), copy, xào xáo thông tin từ nhiều nguồn thông tin của các tờ báo khác nhau để biến thành tác phẩm của mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là một số cơ quan báo chí vẫn sử dụng những thông tin đó mà không kiểm chứng, chỉ cốt sao đưa thông tin nhanh, có thể khai thác được nhiều nguồn quảng cáo. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo nhà báo Phạm Kim Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Ninh Bình, Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Ninh Bình: Khi hoạt động trong cơ chế thị trường, cơ quan báo chí luôn chịu áp lực tăng số lượng phát hành, tăng nguồn thu quảng cáo để tăng lợi nhuận, vì thế những người làm báo bị cuốn theo cơn lốc thị trường, không chịu được áp lực cạnh tranh thông tin, chạy theo doanh thu, làm những việc trái với quy định của pháp luật miễn là đưa thông tin nhanh, xem nhẹ tính chân thật, tính nhân văn, tính văn hóa trong hoạt động báo chí. Nhiều quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Báo chí năm 1989 chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của báo chí. Do cạnh tranh về thông tin nên nhiều cơ quan báo chí coi trọng việc chạy đua thông tin dẫn đến tình trạng quản lý thông tin thiếu chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát... dẫn đến các sai phạm. Bên cạnh đó, công tác quản lý báo chí có lúc, có nơi còn buông lỏng. Thực tế suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm báo hiện nay còn xuất phát từ một nguyên nhân căn bản là thiếu cái "tâm, tầm, tài" của người làm báo. Một số người làm báo không chịu tu dưỡng đạo đức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, thiếu bản lĩnh chính trị và thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến thiếu tỉnh táo, thiếu tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp, để xảy ra các sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.

Hội viên Hội Nhà báo Thái Bình tác nghiệp. Ảnh: Thành Tâm

Ðể xây dựng đội ngũ những người làm báo có "tâm, tầm, tài"

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam thực sự có "tâm, tầm, tài". Theo ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam: Cùng với những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì thời gian qua cũng xảy ra một số vụ hành hung phóng viên, nhà báo. Tuy nhiên, công chúng và bản thân các cơ quan báo chí và những người làm báo cần có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này. Trong số những phóng viên, nhà báo bị hành hung thì số lượng nhà báo có thẻ nhà báo rất ít mà chủ yếu là các phóng viên trẻ. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ, giỏi nghề thì trước tiên mỗi người làm báo cần thường xuyên, tích cực, bền bỉ tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, học tập trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tư tưởng chính trị, đồng thời phải rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình. Mỗi nhà báo phải luôn xác định hoạt động của mình là nhằm góp phần cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ để người dân hiểu được quyền và trách nhiệm của người chủ đất nước, tích cực góp phần bảo vệ Tổ quốc. Nhà báo Nguyễn Bình Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Bắc Giang đề xuất: Nhà nước cần lành mạnh hóa môi trường báo chí, thực hiện tốt quy hoạch báo chí, nghiêm khắc loại bỏ những tờ báo, tạp chí chạy theo khuynh hướng thương mại, thông tin thiếu lành mạnh, không đúng tôn chỉ, mục đích nhằm phục vụ lợi ích thương mại. Các cơ quan quản lý báo chí cần thực hiện nghiêm Luật Báo chí (sửa đổi), bổ sung các định chế quản lý các loại hình báo chí, những quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm, đúng pháp luật những cơ quan báo chí, những nhà báo vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí như: thông tin bịa đặt, sai sự thật, thông tin những vấn đề nhạy cảm trong đối ngoại, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và uy tín, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân mà không kiểm chứng, cố tình tạo sự giật gân, giả tạo trong thông tin để bán báo, trục lợi, "câu" bạn đọc... Các cơ quan báo chí thường xuyên tổ chức tập huấn vừa rèn nghề vừa bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải là tấm gương trong giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa bảo đảm đạo đức nghề nghiệp. Sâu sát, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, đồng thời xử lý nghiêm những phóng viên, biên tập viên có sai phạm về đạo đức nghề nghiệp.

Nghề nào cũng đòi hỏi người làm công việc đó phải có lương tâm, trách nhiệm nhưng với nghề báo sự đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu. Bởi ảnh hưởng của báo chí đối với xã hội là vô cùng lớn, thái độ của người cầm bút sẽ có giá trị chi phối và định hướng nhận thức, tư tưởng cũng như hành động của đông đảo quần chúng nhân dân. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu được biết thông tin của con người ngày càng cao, vị thế, tầm ảnh hưởng, sức mạnh của báo chí ngày càng được khẳng định. Nhà báo - người làm một nghề cao quý và đầy trách nhiệm như vậy càng phải có những phẩm chất đạo đức cá nhân và phẩm chất nghề nghiệp xứng đáng. Hội thảo do Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức đã thực sự tạo diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan báo chí nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra các nguyên nhân và đề ra các giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, xây dựng đội ngũ những người làm báo có tâm trong sáng, nâng cao uy tín của báo chí Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa