Thứ 7, 16/11/2024, 12:03[GMT+7]

Hội Phụ nữ xã Dân Chủ: Phát huy sức mạnh từ các phong trào thi đua

Thứ 2, 25/04/2011 | 16:29:17
1,892 lượt xem
Hội Phụ nữ xã Dân Chủ (Hưng Hà) đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm khẳng định vai trò của chị em trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều hội viên đã nỗ lực vươn lên trở thành điển hình về phát triển kinh tế, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Hội Phụ nữ Dân Chủ có 1029 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội. Hàng năm, hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương hội phát động, Hội Phụ nữ xã Dân Chủ  đã tổ chức cho cán bộ, hội viên học tập những nội dung này. Hội đã vận động  chị em thực hành tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày, như tiết kiệm điện năng, tiết kiệm chi tiêu, tham gia vào các nhóm tiết kiệm tiền...

Cụ thể, Hội phát động cán bộ, hội viên sử dụng bóng đèn com pắc thay thế cho bóng đèn sợi đốt có công suất cao; đồng thời hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong giờ cao điểm. Hay việc xây dựng các câu lạc bộ tiết kiệm tiền; tận dụng các nguồn rác thải từ chăn nuôi, sinh hoạt làm chất đốt...Các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo chị em tham gia và thực hiện khá tốt những nội dung đã đăng ký.

Hiện toàn xã có 1.205/1.336 hộ sử dụng bóng đèn com pắc và có 85 hộ sử dụng hầm biôgas dùng chất thải làm vật liệu đốt; 6 câu lạc bộ tiết kiệm có số dư trên 35 triệu đồng.

Đặc biệt, trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra hỗ trợ, khuyến khích hội viên tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh. Hội phối hợp với HTX, Trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp chị em có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Từ năm 2006 đến nay đã mở được 65 lớp ở các chi hội về chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa, cây màu vụ đông, phân bón, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm...thu hút gần 4 nghìn lượt chị em tham dự.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức quán triệt Nghị quyết 01 của Huyện uỷ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nghị quyết 02 về chuyển đổi cơ cấu giống lúa xuân. Các hội viên được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trà lúa, đưa giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Vụ đông được mở rộng tối đa diện tích, trong đó các gia đình hội viên là những người nòng cốt tiên phong, gương mẫu đi đầu. Toàn xã đã có 215 gia đình hội viên trồng từ 5 -7 sào cây màu vụ đông, cho giá trị thu nhập cao, góp phần nâng cao cuộc sống gia đình. Điển hình như chị Chúc, thôn Phú Hội trồng 1,5 mẫu cây vụ đông, trong đó 5 sào trồng các loại cây xuất khẩu, thu trên 10 triệu đồng/ vụ: Chị Ngân, thôn Đinh trồng 1,2 mẫu, trong đó có 7 sào dưa, ngô ngọt xuất khẩu. chị Hạnh, thôn Bái chuyển diên tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên màu, mỗi năm trồng từ 5 – 7 sào, cho giá trị từ 50- 60 triệu đồng.

Không chỉ giúp chị em về kiến thức, Hội còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thông qua uỷ thác, đến nay, Hội quản lý số dư trên 1,4 tỷ đồng, cho 136 lượt hộ vay. Nhiều chị được vay vốn đã tập trung đầu tư sản xuất từng bước thoát nghèo. Nếu như năm 2006 Hội còn 100 gia đình hội viên nghèo, thì đến nay chỉ còn 60 hộ. Điển hình như gia đình chị Lâm, thôn Hà Tiến; chị Đát, thôn Hà Thắng...

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các công ty phân bón để cung ứng cho chị em theo phương thức trả chậm, với khối lượng từ 80- 100 tấn/ năm. Không chỉ cùng nhau thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các chị còn đoàn kết, chia sẻ những khó khăn để cùng nhau vượt khó, vươn lên làm giầu, xây dựng gia đình hạnh phúc. Những chị có kinh tế khá đã giúp đỡ một số chị em còn khó khăn về kinh tế, hay bị ốm đau, tai nạn...bằng hình thức cho vay không lấy lãi, hoặc lãi suất thấp. Từ năm 2006 đến nay, đã có 325 lượt chị giúp 412 lượt chị có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 165 triệu đồng, 8 tấn thóc, 36 chỉ vàng, 28,8 tấn vật tư và 28 ngày công lao động...Nhiều chị còn du nhập một số nghề mới về, thành lập các cơ sở sản xuất để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên khác. Cụ thể như cơ sở may công nghiệp của gia đình chị Lĩnh, thôn Phú Hội; xưởng đính hạt cườm của gia đình chị Lương, thôn Đan Hội đã thường xuyên tạo việc làm cho 50- 70 lao động, thu nhập từ 1,5 triệu đồng – 2,2 triệu đồng/lao động/ tháng.

 Để tiếp tục phát huy sức mạnh của chị em trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Hội Phụ nữ Dân Chủ đã tổ chức cho các hội viên đăng ký tham gia các phong trào thi đua ngay từ đầu năm 2011; đồng thời gắn các phong trào với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cùng với việc vận động, hỗ trợ các hội viên tích cực tham các phong trào thi đua, Hội còn đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức người phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH; các kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống tai tệ nạn xã hội...

       Nguyên Bình

 

  • Từ khóa