Thứ 2, 25/11/2024, 04:38[GMT+7]

Hướng đi nào cho thanh niên nông thôn huyện Tiền Hải?

Thứ 5, 05/05/2011 | 10:26:22
2,045 lượt xem
Cái khó nhất của thanh niên nông thôn hiện nay là trình độ học vấn còn hạn chế, thiếu kiến thức về khoa học công nghệ. Trong khi đó, thanh niên là lực lượng lao động chính, chiếm tỷ lệ lớn, nếu không có giải pháp giúp họ lập nghiệp tại địa phương thì nhiều người sẽ rời quê hương đi làm ăn ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Công nhân xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ĐVTN Đỗ Xuân Hưng.

Lập nghiệp trên đất khách quê người họ sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như: trình độ thấp, chỗ ăn, ở không ổn định. Hơn nữa khi trở về quê hương sẽ kéo theo các tệ nạn xã hội được du nhập từ thành thị. Đây là vấn đề nan giải, thách thức lớn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên của tổ chức Đoàn, Hội.

Đứng trước những khó khăn đó, Ban Chấp hành Huyện đoàn Tiền Hải xác định chỉ có đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, chất lượng các phong trào hoạt động, đáp ứng những nhu cầu bức thiết như: việc làm, thu nhập thì mới thu hút và giữ chân được thanh niên.

Xuất phát từ nhu cầu của thanh niên, trong những năm qua các cấp bộ Đoàn, Hội huyện Tiền Hải đã tạo điều kiện giúp thanh niên phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống cho thanh niên. Với hướng đi đó, rất nhiều thanh niên đã dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất “Chôn rau cắt rốn” của mình. Đến Tiền Hải, chúng ta có thể bắt gặp nhiều mô hình làm kinh tế của thanh niên cho hiệu quả cao, thu nhập ổn định, vừa làm giàu cho gia đình vừa tạo được việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Trao đổi với anh Nguyễn Thanh Tuấn- Bí thư Huyện đoàn, chúng tôi được biết, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ở các cơ sở đoàn hiện nay. Các cấp bộ Đoàn, Hội trong huyện đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp- việc làm. Nhiều hoạt động thiết thực diễn ra hàng năm như: tổ chức các buổi tư vấn học nghề, việc làm; phối hợp với các trường đào tạo chuyên nghiệp để dạy nghề, nâng cao trình độ cho người lao động; tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Tại nhiều cơ sở, thanh niên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, năng động trong phát huy các mô hình kinh tế dịch vụ, ngành nghề truyền thống của địa phương… đã giúp bộ mặt nông thôn tại nhiều vùng quê trong huyện đổi thay, giúp nhiều thanh niên làm giàu hiệu quả.

Để thực hiện phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành”, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên thanh niên vay vốn phát triển gia trại, trang trại và sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã giải ngân trên 22 tỷ đồng cho hàng trăm gia đình thanh niên ở 27/35 cơ sở Đoàn- Hội vay với lãi suất ưu đãi; hàng trăm đoàn viên được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn. Qua hoạt động vay vốn đã có nhiều hộ gia đình ĐVTN thoát nghèo vươn lên, xuất hiện nhiều mô hình, nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Đến thăm cơ sở tái chế nhựa phế thải của anh Đinh Công Kiều xã Đông Cơ, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên về quy mô của “ông chủ trẻ” mới ngoài 30 tuổi đời, mà còn khâm phục ý chí của một thanh niên đi lên từ hai bàn tay trắng. Đến nay, sau 3 năm hoạt động, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 17- 20 lao động, với mức lương 1,5- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận hàng năm đạt trên 300 triệu đồng.

Đến thăm cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ của đoàn viên Đỗ Xuân Hưng thôn Rạng Đông, xã Vân Trường, chúng tôi cảm phục bởi sự mạnh dạn trong cách nghĩ và cách làm của anh. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, với mong muốn làm giàu, anh Hưng đã chọn con đường xuất ngoại. Nhưng không phải ai cũng giàu lên nhờ con đường này, với anh cũng vậy! Sau 3 năm đi lao động tại Malaysia, cuộc sống gia đình anh vẫn rất khó khăn. Với ý chí quyết tâm làm giàu tại quê hương, sau khi học nghề mộc tại một xưởng sản xuất ở Vũ Chính, (Thành phố Thái Bình), anh đầu tư mở xưởng sản xuất tại nhà. Xưởng mộc của anh với số vốn ban đầu chỉ có 20 triệu đồng (năm 2008), đến nay vốn lưu động của xưởng đã lên đến gần 1 tỷ đồng. Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của xưởng anh sản xuất không chỉ chinh phục thị trường trong tỉnh, mà còn vươn tới các thị trường lân cận như: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội. Bình quân mỗi tháng anh bán ra thị trường gần 200 bộ sản phẩm bàn, ghế, gường, tủ các loại; doanh thu năm 2010 đạt trên 6 tỷ đồng tạo việc làm ổn định cho 18-25 lao động với thu nhập từ 4- 7 triệu đồng/người/tháng; lợi nhuận năm 2010 đạt 400 triệu đồng. Không chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh, anh còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và là Bí thư chi đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thôn Rạng Đông.

Thành quả mà huyện đoàn Tiền Hải đã và đang làm được đó là tình trạng thanh niên nông thôn thất nghiệp, thanh niên đi làm ăn xa đã giảm đáng kể, nhiều gia đình thanh niên từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu với phương châm "ly nông bất ly hương"./.

       Bài, ảnh: Đức Dũng

 

 

 

 

  • Từ khóa