Thứ 2, 25/11/2024, 12:11[GMT+7]

Hội Cựu chiến binh xã Bách Thuận cùng hội viên phát triển kinh tế

Thứ 2, 20/03/2017 | 15:52:33
1,197 lượt xem
Những năm qua, cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bách Thuận (Vũ Thư) đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Mô hình VAC của cựu chiến binh Trần Văn Sinh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Với mô hình trồng cây cảnh, mở cơ sở sản dệt len xuất khẩu, CCB Nguyễn Như Tuấn, thôn Toàn Thắng là một điển hình làm kinh tế giỏi. Ông đã tận dụng lợi thế về đất đai trồng nhiều loại cây cảnh cho giá trị kinh tế cao, mạnh dạn đầu tư vốn, máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mở xưởng dệt len, hiện đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Len do cơ sở của ông sản xuất ra chất lượng tốt, khách hàng rất ưa chuộng, xuất đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, CCB Trần Văn Sinh (thôn Bách Tính) chọn cách làm giàu bằng chính nghề làm vườn của cha ông kết hợp phát triển chăn nuôi. Với 1 mẫu đất trồng cây, gia đình ông đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm chuồng trại chăn nuôi lợn và trồng cây cảnh, cây hoa ngắn ngày phục vụ khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bình quân một năm gia đình ông thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Ông Trịnh Ngọc Khởi, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bách Tính chia sẻ: Toàn thôn hiện có 122 hội viên CCB tham gia phát triển kinh tế, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, làm cây cảnh, trồng cây dược liệu. Không ít gia đình hội viên có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hội viên nhờ sự năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó cộng với sự giúp đỡ của tổ chức hội đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Như Chính, Chủ tịch Hội CCB xã Bách Thuận cho biết: Hội CCB xã hiện có 650 hội viên, sinh hoạt tại 10 chi hội. Ban đầu, khi phát động phong trào thi đua “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới”, Hội gặp không ít khó khăn do địa bàn quản lý rộng, đa phần hội viên là người cao tuổi, phát triển kinh tế quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Vì vậy, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tận dụng lợi thế về đất đai, đầu tư vốn, đa dạng hóa mô hình phát triển kinh tế, chuyển từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hàng năm, Hội phối hợp với các đoàn thể, HTX DVNN  mở từ 3 - 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên. 

Để giúp hội viên tháo gỡ khó khăn về vốn, Hội đã thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn với 50 thành viên tham gia; đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay hơn 1 tỷ đồng giúp hội viên mở rộng sản xuất. 

Toàn Hội hiện có hơn 600 hội viên phát triển kinh tế theo mô hình VAC, còn lại là các loại hình kinh doanh khác. Trong sản xuất, các hội viên tích cực giúp nhau về vốn, ngày công, cây, con giống, kỹ thuật, động viên nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nếu như năm 2012 toàn Hội có 9 hội viên thuộc diện nghèo thì đến nay giảm còn 3 hộ.

Ngoài ra, hội viên còn tích cực góp công, góp của tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Tiến Đạt