Thứ 2, 25/11/2024, 04:55[GMT+7]

Thực trạng công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc tại các cơ sở khám chữa bệnh

Thứ 6, 13/05/2011 | 09:05:42
5,510 lượt xem
Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc là một trong những vấn đề quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, nếu làm tốt, sẽ giảm đáng kể tỷ lệ tử vong 24 giờ đầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo một nghiên cứu của ngành y tế, hệ thống trạm y tế Thái Bình hiện nay đang có 15,4% cán bộ trình độ bác sĩ, 49% cán bộ trình độ y sỹ, 14,7% nữ hộ sinh phục vụ công tác cấp cứu, hỗi sức tích cực và chống độc. Tại hệ thống các bệnh viện, 20% bệnh viện có cán bộ làm cấp cứu trình độ sau đại học chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, 35% bệnh viện cán bộ làm cấp cứu có trình độ sau đại học chuyên ngành nội, 15% bệnh viện cán bộ làm cấp cứu có trình độ sau đại học chuyên ngành nhi và 40% bệnh viện cán bộ trình độ sau đại học các chuyên ngành khác làm cấp cứu, 75% các bệnh viện có điều dưỡng được đào tạo về hồi sức cấp cứu và chống độc làm tại khoa cấp cứu.

Về trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, tại trạm y tế, có 12,2% số trạm y tế được trang bị và sử dụng trang thiết bị y tế đạt 90-100% số trang thiết bị so với chuẩn quốc gia; 42,3% số trạm y tế sử dụng trang thiết bị đạt 80-89% số trang thiết bị so với chuẩn; 37,8% trạm sử dụng trang thiết bị cấp cứu đạt 70-79%. Như vậy, nếu so với chuẩn quốc gia, vấn đề trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu tuyến xã tại Thái Bình tương đối cao, chỉ có 7,7% số xã sử dụng trang thiết bị đạt dưới 69%.

Tuy nhiên, vấn đề trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu tại các bệnh viện huyện và tỉnh còn nhiều khó khăn. Với 1 bệnh viện đa khoa hạng I, 4 bệnh viện đa khoa hạng II, 10 bệnh viện đa khoa hạng III và 8 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, tuy nhiên hiện tại, toàn tỉnh không có bệnh viện trang bị trang thiết bị cấp cứu đạt 90-100% theo yêu cầu, chỉ có 1 bệnh viện tỉnh và 1 bệnh viện huyện (đạt 5,6%) trang bị trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu đạt 80-89%. Đối với bệnh viện tuyến huyện, phổ biến là các bệnh viện trang bị đạt 60-69%, bệnh viện tuyến tỉnh phổ biến đạt dưới 50% trang thiết bị phục vụ công tác này.

Bên cạnh sự hạn chế về trang thiết bị, việc sử dụng thuốc phục vụ công tác cấp cứu và chống độc cũng đạt ở mức thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình cung cấp thuốc phục vụ cấp cứu và chống độc tại các trạm y tế mới có 24,4% trạm y tế được cung cấp và sử dụng đạt 90 đến 100% thuốc cấp cứu và chống độc so với quy định, có 27,7% trạm y tế mới cung cấp và sử dụng đạt dưới 50% danh mục thuốc so với yêu cầu.

Tình trạng vận chuyển cấp cứu hiện có của tỉnh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù tại Thái Bình đã có một trung tâm vận chuyển cấp cứu, một công ty vận chuyển cấp cứu tư nhân, 100% bệnh viện trong tỉnh được trang bị xe cứu thương, tuy nhiên số lượng xe cứu thương vẫn còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt hệ thống xe cứu thương trong tỉnh chưa được trang bị máy móc, thiết bị liên lạc phục vụ công tác cấp cứu.

Các vấn đề nhân lực, trang thiết bị, thuốc phục vụ công tác cấp cứu, chống độc của hệ thống cơ sở khám chữa bệnh toàn tỉnh còn thiếu và chưa tương xứng với phân cấp kỹ thuật theo hạng bệnh viện, song tình trạng bệnh lý, tần suất cấp cứu tại các bệnh viện có xu hướng tăng.

Cũng theo nghiên cứu của ngành y tế, tỷ lệ bệnh lý cấp cứu tại trạm y tế năm 2008 là 6,1% cấp cứu sản khoa, 56,8% cấp cứu nội khoa, 30,8% cấp cứu ngoại khoa. Tần suất cấp cứu ở cả ba tuyến đều tăng hàng năm. Riêng tại trạm y tế, năm 2007, tổng số ca cấp cứu là 1741 ca, năm 2008 tăng lên 1802 ca. Riêng năm 2009, tổng số ca vận chuyển cấp cứu nội tỉnh gần 11 nghìn ca, năm 2010, số ca vận chuyển cấp cứu nội tỉnh đã tăng lên hơn 12 nghìn ca.

Trước thực trạng công tác cấp cứu, hồi sức và chống độc tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu ngành y tế chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 01 của Bộ y tế về quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc, kiện toàn về tổ chức, bố trí nhân lực ổn định để đào tạo chuyên sâu về cấp cứu, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, tổ chức hiệu quả hoạt động cấp cứu, hồi sức và chống độc.

Đặc biệt ngành cũng chỉ đạo các bệnh viện hạng II phải thành lập khoa cấp cứu và khoa hồi sức tích cực, các khoa lâm sàng bố trí phòng cấp cứu. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ngành nêu những nhiệm vụ cụ thể như: Các bệnh viện xây dựng kế hoạch để từng bước củng cố về tổ chức bộ máy, đầu tư bổ sung trang thiết bị và danh mục thuốc phục vụ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, tập trung đào tạo các kỹ năng chuyên sâu về cấp cứu để phát triển các kỹ thuật cấp cứu trong đó tập trung vào cấp cứu các bệnh nội khoa, ngoại khoa. Trong công tác cấp cứu ngoài bệnh viện, các cơ sở vận chuyển cấp cứu kiện toàn về tổ chức và đào tạo cán bộ, đồng thời bổ sung các trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu và các phương tiện thông tin liên lạc để bảo đảm công tác vận chuyển cấp cứu kịp thời, hiệu quả.

Bài: Trần Thu Hương

Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa