Thứ 2, 25/11/2024, 02:51[GMT+7]

Tạm ứng tiền nhà… đi làm chiến dịch

Thứ 6, 20/05/2011 | 09:18:17
1,409 lượt xem
Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn” triển khai thường xuyên hàng năm đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng giúp các địa phương khó khăn hoàn thành các chỉ tiêu, góp phần thúc đẩy công tác dân số toàn tỉnh. Mặc dù chiến dịch đã triển khai nhiều năm song hàng năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách tại địa phương vẫn phải ứng tiền nhà thực hiện chiến dịch chỉ vì kinh phí từ tuyến trên cấp về muộn…

Ảnh minh họa.

Chị Hoàng Thị Gấm, cán bộ chuyên trách dân số xã Nam Thắng (Tiền Hải) cho biết, năm 2011, Nam Thắng là 1 trong 5 xã của huyện được hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu để triển khai chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng khó khăn”. Theo hướng dẫn, kinh phí mà xã được hỗ trợ từ chương trình cho tổ chức các hoạt động chiến dịch là 1,8 triệu đồng. Nguồn kinh phí này chi cho tất cả các hoạt động như tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia chiến dịch, giám sát thực hiện chiến dịch.

Là một xã rộng, dân số đông với hơn 8600 nhân khẩu, 5 thôn hành chính, đội ngũ cán bộ phục vụ chiến dịch cao nên số kinh phí hỗ trợ từ chương trình chỉ đáp ứng được khoảng 50% những yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động. Vì vậy, ngoài nguồn kinh phí từ chương trình, địa phương cũng phải hỗ trợ thêm để tổ chức thực hiện.

Không phải chỉ năm đầu tiên thực hiện, chị Gấm cho biết thêm, năm nay và cả những năm trước cũng vậy, chị phải tạm ứng tiền gia đình để chi phí cho các hoạt động chiến dịch bởi kinh phí từ chương trình mà địa phương nhận được thường “xuống” rất muộn, còn kinh phí địa phương chỉ cấp sau khi đã quyết toán xong các hoạt động. Vì vậy, sau vài tháng, có khi là vài quý chị mới được nhận tiền hoàn trả.

Không chỉ có chị Gấm, hầu hết các cán bộ chuyên trách dân số xã đều có nhận xét như vậy. Khi được hỏi là nếu điều kiện kinh tế của gia đình cán bộ chuyên trách địa phương không dư dả thì các chị sẽ lấy tiền ở đâu để ứng chi trả trước cho các hoạt động? Bán lợn, bán gà, vay mượn…, đó là câu trả lời của hầu hết mọi người. Chính vì vậy mà những câu chuỵện kể về cán bộ chuyên trách phải bán cả lợn đi làm chiến dịch đã không còn là chuyện lạ của các mùa chiến dịch hàng năm.

Đã là hoạt động thường xuyên thì không thể không thực hiện, đã là chiến dịch thì phải thực hiện đúng thời gian, bảo đảm tiến độ, chờ kinh phí mới tổ chức thực hiện thì còn gọi gì là “chiến dịch”. Chính bởi cái lý như vậy nên hễ đến mùa chiến dịch là nhiều cán bộ chuyên trách dân số lòng rối bời bời. Kinh phí chưa thấy đâu, nhiệm vụ đặt ra thì nhiều. Kẻ vẽ biển tuyên truyền, panô, khẩu hiệu, tổ chức hội nghị ra quân, tổ chức tập huấn cho cộng tác viên, tổ chức dịch vụ kỹ thuật tại địa phương... Chính vì vậy, mỗi đợt chiến dịch, công tác DS-KHHGĐ diễn ra sôi động, nhưng đằng sau sự sôi động ấy là mối lo của không ít cán bộ dân số cơ sở.

Lý giải về tình hình này, bà Nguyền Thị Huê, Phó Giám đốc Sở y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho biết, chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn” đã trở thành hoạt động thường xuyên từ năm 2001 đến nay. Mỗi năm hai đợt hoạt động mạnh: đợt 1 từ đầu tháng 2 đến 30-4; đợt 2 từ đầu tháng 5 đến 30-10. Kinh phí thực hiện chiến dịch bố trí từ chương trình mục tiêu quốc gia song hàng năm, số kinh phí này thường được cấp từ Trung ương về tỉnh chậm nên mới xảy ra tình trạng trên. Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ cơ sở, vì vậy Chi cục Dân số - KHHGĐ luôn cố gắng thực hiện cấp kinh phí xuống cho cơ sở ngay khi có kinh phí từ Trung ương chuyển về.

“Ứng tiền riêng đi làm việc công”, những người “vác tù và hàng tổng” hình như đã quen với điều này. Vì vậy, nhiều năm nay, mặc dù kinh phí về chậm, 100% xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch vẫn đồng loạt ra quân bảo đảm tiến độ, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đạt ở mức cao. “Khó khăn, vất vả nhưng đó là nhiệm vụ của mình thì phải cố gắng hoàn thành. Những đóng góp cống hiến cho công việc, cho lợi ích cộng đồng của chúng tôi so với  nhiều người chỉ là việc làm nhỏ!”, đó là tâm sự của nhiều cán bộ dân số cơ sở. Song nhìn lại mức phụ cấp hơn 700 nghìn đồng/tháng cho một cộng tác viên dân số trong tình hình giá cả leo thang đến chóng mặt như hiện nay, chẳng nhẽ những người “vác tù và hàng tổng” cứ phải tạm ứng tiền nhà đi làm chiến dịch mãi?

       Bài, ảnh: Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa