Thứ 2, 25/11/2024, 16:24[GMT+7]

Hội Nhà báo Việt Nam: Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2017

Chủ nhật, 23/04/2017 | 19:32:48
1,202 lượt xem
Tiếp tục chương trình hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam vừa tiến hành tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2016, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Tại hội nghị, Hội Nhà báo Thái Bình và một hội viên của Hội được tặng Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc về hoạt động nghiệp vụ và công tác Hội năm 2016.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc năm 2016.

Xây dựng đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được trong năm 2016 và quý I/2017. Đồng thời, đồng chí cho rằng, Ban Tuyên giáo Trung ương với tư cách là một thành viên, năm qua cũng đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của Hội. Trong các hoạt động của Hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ, đóng góp để những sự kiện ấy có chất lượng, đưa lại hiệu ứng xã hội tốt, góp phần vào việc nâng cao nhận thức chính trị của những người làm báo, để Hội phát triển hơn, làm tốt hơn vai trò của mình trước những yêu cầu mới. 

Bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp, thành tựu của báo chí, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra những mặt hạn chế, thiếu sót của công tác báo chí thời gian qua. Như việc đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm, cách đăng tải cũng như sử dụng nguồn tin từ mạng xã hội còn thiếu sự thận trọng. 

Đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định: Tác động của báo chí đối với xã hội là rất lớn. Một sự kiện đưa ra nếu chọn đúng vấn đề mà xã hội quan tâm sẽ tạo được sức lan toả, có một hiệu ứng xã hội rất lớn. Thời gian qua, đã có những vấn đề tiêu cực, báo chí phát hiện được xã hội rất hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế cũng có những vụ việc báo chí đưa không đúng đã có tác động không tốt, gây những dư luận và hậu quả khó lường đối với sự phát triển của xã hội. Mà vụ đưa tin không đúng về nước mắm vừa qua là một ví dụ điển hình... 

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng khi thông tin về một vấn đề nào đó, báo chí cần phải thể hiện làm sao nói cho chính xác, khách quan và có tính xây dựng; phải hết sức thận trọng, hết sức trách nhiệm để thông tin vừa bảo đảm sự phát triển nhưng phát triển theo đúng định hướng của báo chí cách mạng. 

Bên cạnh đó, từ cấp hội trung ương xuống địa phương cần phải chủ động tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy, tích cực tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ báo chí trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời kỳ mới với xu hướng báo đa phương tiện, mạng xã hội phát triển mạnh, chính vì thế bên cạnh việc phát huy nghiêm túc vai trò, trách nhiệm của phóng viên, cơ quan báo chí thì Hội cần chủ động nắm bắt và theo kịp xu thế đó, để cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp trong việc chỉ đạo, kịp thời loại bỏ những thông tin không chính xác, thiếu đạo đức. 

Đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh: Với trách nhiệm xã hội lớn lao như vậy, một mặt chúng ta ghi nhận, trân trọng những đóng góp, trân trọng những sáng tạo, sự lăn lộn, dũng khí của người làm báo, tính phát hiện cũng như giám sát, phản biện. Nhưng chúng ta cũng phải rất nghiêm khắc trong việc đề cao trách nhiệm của người làm báo khi đưa thông tin. Trong đó, hiện nay, trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội là vô cùng quan trọng. Vì vậy, thời gian tới, sẽ có những hình thức mới trong việc định hướng và quản lý thông tin, đồng thời, cũng có những biện pháp để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

“Tại hội nghị hôm nay, chúng tôi cũng muốn chia sẻ những tình cảm, sự biết ơn các đồng chí trong việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Và rất mong chúng ta trong thời gian tới, trước những thuận lợi, khó khăn đan xen, nhưng thời cơ cũng là rất lớn, thì báo chí và những người làm báo chúng ta phải cùng nỗ lực, cố gắng, phát huy cao độ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Đặc biệt, với việc chúng ta đang nỗ lực triển khai, thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thì hoạt động của Hội cũng như giới báo chí Việt Nam thời gian tới sẽ khắc phục được những hạn chế, đạt được kết quả cao hơn. Xây dựng đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới… đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước”, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng và hy vọng. 

Công tác thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào chiều sâu 

Theo báo cáo tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 do đồng chí Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày đã nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện của các ban, bộ, ngành, các địa phương, các cấp hội nhà báo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra.

 Phó Chủ tịch Mai Đức Lộc khẳng định: Trong năm 2016, công tác thi đua - khen thưởng trong các cấp hội có bước chuyển biến tích cực, đi vào thực chất và chiều sâu, thành động lực quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết những người làm báo, động viên, thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực vươn lên, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước cũng như sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kết quả đó được thể hiện trên nhiều mặt công tác. 

Một là, lãnh đạo các cấp hội luôn quan tâm, sâu sát, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội về công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng và hiệu quả, được cán bộ, hội viên, nhà báo hưởng ứng tích cực. 

Hai là, hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo hội trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thi đua - khen thưởng, chủ động hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Việc bình xét các danh hiệu thi đua chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế, góp phần ngăn chặn tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. 

Ba là, các cụm thi đua đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức ký kết giao ước thi đua, phát động các phong trào thi đua, kiểm tra chéo, chấm điểm thi đua, tổng kết và bình xét khen thưởng theo đúng văn bản hướng dẫn. 

Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên các cấp hội đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa của công tác thi đua, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình về công tác thi đua - khen thưởng. Điển hình các tập thể có thành tích xuất sắc trong các hoạt động của năm 2016 là hội nhà báo các tỉnh: Bắc Ninh, Điện Biên, Đắk Lắk, Tiền Giang và các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; các liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội: Liên chi hội Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; các chi hội trực thuộc Trung ương Hội: Báo Đầu tư, Báo điện tử Chính phủ, Báo Thanh tra, Tạp chí Xây dựng Đảng cùng nhiều tập thể và cá nhân xuất sắc khác được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng các danh hiệu thi đua. 

Năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng 607 kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, trong đó có 550 trường hợp thường xuyên và 57 trường hợp đặc cách. Trên cơ sở phân tích toàn diện và chặt chẽ, Hội đồng thi đua - khen thưởng của Trung ương Hội quyết định trao cờ thi đua xuất sắc năm 2016 cho 12 tập thể, tặng bằng khen cho 33 tập thể và 156 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của Hội. Đồng thời, Hội đồng thi đua - khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam cũng hiệp y đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 4 đơn vị nhiều năm liên tục được tặng cờ thi đua của Hội. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua - khen thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục kịp thời. Mà nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nội dung, phương thức hoạt động ở một số cấp hội chưa thực sự đa dạng, chưa có nhiều hoạt động đặc thù để thu hút hội viên; một số cấp hội, hội viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng. Công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa thực sự được coi trọng… 

Từ thực tiễn đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc cho biết, nội dung của phong trào thi đua năm 2017 cần tập trung bám sát và phục vụ có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Tại hội nghị này, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương Hội phát động đợt thi đua rộng khắp trong tất cả các cấp hội và kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên sôi nổi hưởng ứng, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ theo chủ đề của năm 2017. Trước mắt, triển khai thực hiện tốt Luật Báo chí năm 2016, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, thi đua lập thành tích thiết thực kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội, 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và các sự kiện lớn của đất nước. 

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn hệ thống các cấp hội 

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã cảm ơn và biểu dương các đại biểu đã về dự hội nghị đông đủ với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần quan trọng vào thành công của hội nghị. 

Đồng chí Thuận Hữu khẳng định: Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội và thi đua - khen thưởng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 đã hoàn thành chương trình đề ra. Hội nghị đã được nghe 4 dự thảo báo cáo và 14 tham luận đóng góp ý kiến. Nhìn chung, các đại biểu đều đánh giá cao sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo và khẳng định trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức về đội ngũ cán bộ, kinh phí hoạt động nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong năm qua các cấp hội từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, phát huy vai trò của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức hội ngày càng được nâng cao, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng, hội nghị cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới của các cấp hội như: trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, hội viên chưa đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện nhiệm vụ và các phong trào do Trung ương Hội phát động, vẫn còn một số nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số cơ quan báo chí vi phạm các quy định của cơ quan nhà nước, đồng thời gợi ý những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trong năm 2017. 

Đồng chí Thuận Hữu cho biết, các ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, Thường trực, Thường vụ Hội tiếp thu và xem xét những ý kiến xác đáng để bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản. 

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, để hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề hoạt động của năm 2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đề nghị các cấp hội đầu tư nghiên cứu, xây dựng chương trình công tác, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tiễn của đơn vị, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động Hội cũng như chất lượng báo chí, trong đó cần nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm như: các cấp hội tiếp tục động viên, cổ vũ hội viên, người làm báo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, cổ vũ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết TW 4 (khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước. 

Tổ chức quán triệt, thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đến tất cả các tổ chức hội và hội viên. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo. 

Tiếp tục làm tốt công tác rà soát tổ chức Hội, đội ngũ hội viên, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn hệ thống các cấp hội; phát động đợt thi đua rộng khắp trong tất cả các cấp hội và hội viên thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí 2016 và Chỉ thị số 120/CT-HNBVN ngày 10/4/2017 của Hội Nhà báo Việt Nam về việc tổ chức học tập, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. 

Cũng trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt tiếp tục nhấn mạnh tới việc nêu cao trách nhiệm, đạo đức người làm báo Việt Nam. Theo Chủ tịch Thuận Hữu, tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội nhà báo trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết, mỗi một cán bộ, hội viên, nhà báo cần phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp và phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin để sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao, hoàn thành tốt trọng trách, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân. Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ tích cực, tham gia nhiệt tình của tất cả các cấp hội và hội viên trong cả nước.

P.V