Thứ 2, 25/11/2024, 16:20[GMT+7]

Đừng vội trao “công nghệ” vào tay con trẻ

Thứ 3, 25/04/2017 | 14:50:53
2,304 lượt xem
Nhiều trẻ em đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học nhưng đã sử dụng thành thạo các thiết bị số thông minh như: điện thoại, laptop, tivi, máy tính bảng... có kết nối mạng internet. Thời đại công nghệ thông tin, các bậc phụ huynh vô tư để trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ cao, nhưng ít nhiều không để ý đến những điều lợi bất cập hại của chúng.

Khám bệnh cho bệnh nhi ở Khoa Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Thái Bình.

“Ma lực” của thiết bị số thông minh

Vì bố mẹ đi làm cả ngày nên vào các buổi chiều, bé Minh (6 tuổi), con anh Phi, chị Thủy ở xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) chủ yếu tự làm bạn với chiếc tivi, có kết nối mạng internet. Ở nhà một mình, Minh có thể tha thẩn xem mọi thứ mình thích, từ các bộ phim hoạt hình, đến các chương trình ca nhạc thiếu nhi... Đến giờ ăn cơm, chiếc điện thoại thông minh của bố lại trở thành “công cụ” giúp hai anh em Minh hoàn thành bữa tối của mình. “Từ nhỏ cháu nhà tôi còi cọc, hay ốm đau nên việc ăn uống của cháu tốn rất nhiều thời gian. Để con ăn nhanh, mình thường nhờ đến các thiết bị số thông minh trợ giúp”, vợ chồng anh Phi chia sẻ.

Câu chuyện trên không còn là trường hợp hiếm gặp trong xã hội ngày nay, nhất là khi hầu hết các ông bố, bà mẹ hiện nay đều bận rộn, không có nhiều thời gian chơi với con.

Những thiết bị công nghệ không chỉ hỗ trợ người lớn trong công việc mà còn đang được sử dụng như là đồ chơi, công cụ dỗ dành hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Một em bé đang khóc ngằn ngặt, chẳng cần dỗ dành gì nhiều, bố mẹ chỉ cần bật video trong điện thoại lên là bé có thể nín ngay và chăm chú xem hàng tiếng đồng hồ - thật tiện lợi và đơn giản.

Theo thống kê của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Thái Bình, năm 2016 và quý I năm 2017 đã có gần 14.000 lượt trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 15 đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến tật khúc xạ như: cận thị, loạn thị...; trong đó, nguyên nhân do tiếp xúc với máy tính, điện thoại... chiếm tỷ lệ khá cao.

Những nguy hại từ thiết bị số

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà thiết bị số mang lại như giúp trẻ tiếp cận những kiến thức mới nhanh hơn, dễ dàng hơn và vui chơi hiệu quả hơn...? Nhưng đa phần phụ huynh đều lo lắng việc lạm dụng quá nhiều các thiết bị số thường xuyên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ...

Trước đây, mỗi khi đón con ở trường về, chị Xuân ở thành phố Thái Bình lại phải mở tivi hoặc đưa điện thoại, ipad cho con gái để mình có thời gian nấu nướng, dọn dẹp. Đến khi ăn cơm, thí con đi ngủ, gọi con dậy mỗi sáng hay uống thuốc... điện thoại cũng là thứ mồi nhử hữu hiệu nhất. Mê mải dỗ dành con bằng các thiết bị công nghệ số, chị Xuân không nhận ra con mình chậm phát triển so với bạn bè, chậm nói, sợ hãi tiếp xúc với người khác, hay khóc, chỉ ngoan ngoãn nghe lời khi được ôm cái điện thoại.

Sống cùng trẻ trong thời đại số

Chúng ta không thể cấm đoán hoàn toàn con trẻ tiếp cận với công nghệ trong kỷ nguyên số song sự tiếp cận đó phải được giới hạn trong chừng mực với sự định hướng, giám sát của người lớn. Các bậc phụ huynh cần chọn lựa chương trình xem có ích cho trẻ, giám sát và không cho trẻ tiếp xúc với những chương trình vô nghĩa, bạo lực, kích thích...

“Muốn con từ bỏ thói quen lạm dụng thiết bị số thông minh thì cha mẹ đóng vai trò quyết định và người lớn cần làm gương trước tiên”, bác sĩ Đinh Văn Uy, Trưởng khoa Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Thái Bình chia sẻ. Cha mẹ hãy dạy, học và trải nghiệm cuộc sống cùng con, đừng dựa vào tính năng đa dạng của công nghệ để dùng các thiết bị công nghệ thay mình dỗ dành, giáo dục con cái.

Thầy giáo Phạm Xuân Huy, Trưởng khoa Văn hóa Chuyên biệt, Trường Trung cấp Nghề khuyết tật Thái Bình chia sẻ: Thay vì “nhét” vào tay con trẻ những thứ đồ chơi công nghệ, thiết bị số thông minh từ quá sớm, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian cho con tiếp cận với những trò chơi ý nghĩa, tập cho con làm việc nhà, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, vui chơi cùng bạn bè... Có như vậy thì trẻ mới không sa đà vào điện thoại, máy tính mà quên đi cả thế giới thực muôn màu ở xung quanh.

Xét cho cùng, các thiết bị số thông minh cũng chỉ là công cụ phục vụ cuộc sống con người. Việc nó gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực là tùy vào cách sử dụng của mỗi người. Do đó, cần phải hiểu rõ thực trạng, nhận thức đúng lợi ích, nguy cơ, tác hại của công nghệ số, để trang bị kiến thức phù hợp, từ đó định hướng, cũng như tìm ra cách thức sử dụng hiệu quả. Sử dụng thiết bị thông minh một cách thông minh sẽ không chỉ giảm các tác hại, mà còn phát huy được mặt tốt, giúp quan hệ giữa các thành viên thêm gắn kết, hạnh phúc gia đình được bảo đảm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.


Bác sĩ Đinh Văn Uy, Trưởng khoa Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Thái Bình

Trẻ dưới 4 tuổi có nguy cơ bị hạn chế khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt nếu tiếp xúc thường xuyên, thiếu kiểm soát với các thiết bị số thông minh, như: điện thoại, tivi...

Bác sĩ Phạm Thị Ngát, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Thái Bình

Để ngăn ngừa các bệnh về mắt khi tiếp xúc với ánh sáng nguy hiểm phát ra từ màn hình điện thoại, các bậc phụ huynh cần: điều chỉnh ánh sáng màn hình thiết bị ở mức trung bình thấp, hạn chế trẻ sử dụng trước khi đi ngủ, có thời gian cho mắt giải lao sau mỗi giờ sử dụng thiết bị...



Nguyễn Thơi