Thứ 2, 25/11/2024, 02:36[GMT+7]

Tận tình với người có công

Thứ 6, 27/05/2011 | 08:04:02
1,431 lượt xem
Đúng dịp cả nước kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2011) và chào đón ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, công trình xây dựng Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng người có công (Sở Lao động – TBXH) chính thức được khánh thành. Trong niềm vui riêng, mỗi cán bộ, nhân viên và các đối tượng chính sách của Trung tâm càng thấu hiểu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người đã cống hiến, hi sinh vì nề

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh các dãy nhà ở cho đối tượng, nhà làm việc cho cán bộ, nhân viên, khu hội trường, nhà ăn, bệnh xá được bố trí hài hòa giữa một khuôn viên vườn hoa, cây xanh và hệ thống đường đi lối lại rộng rãi, sạch sẽ, Giám đốc Trung tâm Bùi Đình Tư không giấu được niềm vui. Anh cho biết, tổng vốn đầu tư cho công trình xấp xỉ 20 tỷ đồng, là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Lao động – TBXH và Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đã đáp ứng lòng mong mỏi của tập thể cán bộ, nhân viên và các đối tượng chính sách nơi đây. Bây giờ, nhiệm vụ của anh và các đồng nghiệp là làm sao duy trì và phát huy truyền thống hơn 40 năm của một đơn vị luôn làm tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh.

Được tận mắt chứng kiến tình trạng thương tật của các đối tượng chính sách mà Trung tâm đang nuôi dưỡng mới thấy hết được những khó khăn, sự vất vả của các cán bộ, nhân viên đang làm việc ở đây. Đa số các trường hợp đều mang thương tật nặng, tuổi đời cao, có trường hợp bị liệt phải nằm hoàn toàn một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ... Đó là chưa kể đến khi ốm đau hoặc vết thương cũ tái phát phải nằm viện thì phần lớn mọi việc đều do cán bộ, nhân viên Trung tâm lo cả.

Anh Vũ Trung Lập - người đã có hơn 30 năm gắn bó với Trung tâm, cũng là từng ấy năm anh phục vụ những người đồng chí, đồng đội của mình, kể lại rằng, đã có thời kỳ một mình anh phục vụ đối tượng chính sách (bị tràn dịch màng phổi) suốt ba tháng liền ở Bệnh viện lao Trung ương. Chín mươi ngày đằng đẵng xa gia đình, vợ con, ăn ngoài quán, ngủ ngoài hiên bệnh viện để chăm sóc một người không phải ruột già, thân thích của mình vậy mà anh vẫn không mảy may than phiền, kêu ca.

Khi được hỏi về cảm nghĩ trong những ngày ấy, người thương binh hạng 4/4 có khuôn mặt hiền lành, chất phác thật thà chia sẻ: bản thân tôi chỉ là “thương binh nhẹ” (anh Lập bị thương và mất 31% sức khỏe tại chiến trường Cam-pu-chia - PV), lại có chuyên môn về y tá từ lúc còn tại ngũ trong Quân đội nên khi được phân công về công tác tại Trung tâm tôi luôn tâm niệm phải sống và làm việc bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Trách nhiệm với những người đã cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm với những người đồng chí, đồng đội của mình. Với suy nghĩ ấy, khi thương binh Lê Ngọc Luých phải nhập viện ở Hà Nội, anh Lập và các đồng nghiệp đã thay phiên nhau phục vụ suốt tám tháng trời. Riêng với anh Lập, trong quãng thời gian hơn ba chục năm công tác tại Trung tâm anh đã trực tiếp phục vụ hàng trăm trường hợp phải đi viện dài ngày. Anh được đánh giá là “mũi nhọn” của đơn vị trong công việc này.

Để bảo đảm tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh, Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng người có công bố trí bộ phận y tế trực 24/24 giờ trong ngày. Giám đốc Bùi Đình Tư nói rằng, các đối tượng ở đây đều thương tật nặng, tuổi cao, nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp... nên rất dễ xảy ra các tai biến bất thường.

Chúng tôi đến thăm bệnh xá của Trung tâm đúng lúc y sĩ Trần Duy Hưng đang thăm khám sức khỏe cho thương binh 1/4 Nguyễn Hồng Tự. Bác Tự quê ở xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương. Năm nay 73 tuổi, bị thương và mất 98% sức khỏe ở chiến trường, từ khi trở về đến nay bác Tự đã có gần ba chục năm gắn bó với Trung tâm. Cũng đã nhiều lần, do ốm đau và vết thương cũ tái phát, bác phải đi bệnh viện điều trị. Những lần đó, bác cũng được các nhân viên của Trung tâm chăm sóc chu đáo.

Y sĩ Hưng tâm sự, làm việc ở đây phải hiểu rõ vết thương, bệnh tật, thậm chí cả tính nết của từng người để phục vụ cho tốt. Năm 2010 đơn vị anh đã tiêm hàng nghìn mũi tiêm, cấp phát hàng vạn viên thuốc bảo đảm chất lượng, an toàn. Hàng tháng, bộ phận nuôi dưỡng, điều dưỡng của Trung tâm căn cứ diễn biến bệnh lý của thương binh (chia làm ba nhóm: nhóm có vết thương tương đối ổn định, nhóm có vết thương ít tái phát và nhóm có vết thương thường xuyên tái phát) để xây dựng chế độ điều trị, duyệt tiền ăn điều trị cho từng tháng. Những việc làm trên đã đã góp phần bảo đảm sức khỏe khá ổn định cho các đồng chí thương binh, bệnh binh, giữ vững niềm tin của các đối tượng chính sách vào chuyên môn của đơn vị.

Qua hơn 40 năm hoạt động, Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng người có công đã trở thành mái nhà chung tình nghĩa của nhiều thương binh, bệnh binh nặng – nơi chất chứa bao tình cảm và trách nhiệm với những người có công với cách mạng.

Bài: Minh Sơn

Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa