Thứ 2, 25/11/2024, 02:53[GMT+7]

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Từ nhận thức đến hành động

Thứ 3, 31/05/2011 | 17:29:33
1,413 lượt xem
Từ năm 2000 đến năm 2010 là khoảng thời gian Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cùng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 8/3/2000 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Lãnh đạo Sở Lao động - TBXH, Sở Y tế, Hội CTĐ tỉnh tặng quà cho trẻ em tham gia chương trình phẫu thuật nhân đạo.

Từ những kết quả đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra là tiền đề quan trọng để đặt niềm tin vào tương lai của công tác này cho thời gian tiếp theo.

Để bảo đảm các chỉ thị 55 và 17 được thực hiện nghiêm túc đến từng khu dân cư, mô hình điểm toàn diện về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được xây dựng. Nhiều đảng bộ xã, phường, thị trấn bên cạnh việc cụ thể hóa các chỉ thị thành những chương trình, kế hoạch hành động đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác này. Các mục tiêu trong chương trình hành động vì trẻ em được đưa vào nghị quyết đại hội đảng các cấp và kế hoạch phát triển KTXH của các địa phương, được đưa vào như là một trong những tiêu chuẩn để xét công nhận danh hiệu “Đảng bộ, chính quyền TSVM”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Đơn vị, gia đình văn hóa”... và xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú được đặc biệt coi trọng nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm, mặc dù có sự thay đổi, biến động (10 năm 2 lần) song vẫn bảo đảm duy trì thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Với những việc làm trên, 10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và mọi người dân về công tác này được nâng lên, coi đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội hướng tới mục tiêu phát triển con người.

Với sự kiên trì trong việc tổ chức triển khai và thực hiện, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình hành động vì trẻ em. Các chỉ số chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện một cách rõ rệt, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 30% năm 2000 xuống còn 25% (năm 2005) và 19% (năm 2010). 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ và khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Thông qua các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, gần 100% trẻ em dưới 5 tuổi được kiểm tra, theo dõi sức khỏe và ghi biểu đồ tăng trưởng. Các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi được tư vấn về cách nuôi và chăm sóc con để phòng, chống suy dinh dưỡng.

Công tác giáo dục, học tập cho mọi trẻ em trong những năm qua phát triển cả quy mô và chất lượng. Thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc mầm non, nhiều loại hình trường lớp (công lập, dân lập, bán công, tư thục...) được tổ chức thực hiện, dưới sự giám sát về chuyên môn của ngành giáo dục, do vậy số trẻ em trong độ tuổi được học tập các chương trình giáo dục ở các bậc học ngày một tăng. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường mầm non năm sau cao hơn năm trước. Thái Bình là một trong những tỉnh sớm hoàn thành và giữ vững kết quả phổ cập tiểu học và trung học cơ sở.

Ngoài ra, vấn đề văn hóa tinh thần phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cũng được các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và các gia đình quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 1 nhà văn hóa thiếu nhi cấp tỉnh, 8 nhà văn hóa thiếu nhi hoặc trung tâm vui chơi dành cho trẻ em của các huyện, thành phố; 99,65% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ.

Thông qua các chính sách trợ giúp của Nhà nước, giúp đỡ của các đoàn thể, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm bảo vệ, chăm sóc – nhất là đối với những trường hợp trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật. 100% trẻ em khuyết tật đã được khám lọc bệnh, cấp phát thuốc và tư vấn sức khỏe miễn phí. Ngành Lao động – TBXH tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Quyết định số 19/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó ngăn chặn tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải kiếm sống sớm, phải lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại, nguy hiểm...

Công tác phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, qua từng năm số trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật giảm dần. Những năm gần đây, với hàng loạt chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đã tác động tích cực đến cuộc sống của trẻ em, nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo. Các em có cuộc sống với điều kiện sống tốt hơn, đầy đủ hơn, các quyền của trẻ em được bảo đảm.

Dẫu đã đạt được một số kết quả quan trọng, song theo đồng chí Đặng Khiêu, Giám đốc Sở Lao động – TBXH, để công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều tiến bộ hơn nữa thì cần có sự quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức, bộ máy cũng như chế độ hỗ trợ cho những người làm công tác này – nhất là đối với cấp cơ sở. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng không kém là đầu tư kinh phí gắn với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động vì trẻ em. Có như vậy, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mới được triển khai sâu, rộng, mang ý nghĩa và hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: Minh Sơn

  • Từ khóa