Thứ 2, 25/11/2024, 02:38[GMT+7]

Game online trong giới trẻ

Thứ 6, 03/06/2011 | 07:56:16
2,172 lượt xem
Thời gian gần đây, những vụ bạo lực học đường liên tiếp diễn ra khiến dư luận xã hội và các bậc phụ huynh lo ngại. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ là học sinh có thể lao vào đánh nhau, hành xử theo kiểu giang hồ... “Nghiện” game online chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Phần lớn người chơi game online đều trong lứa tuổi thanh thiếu niên (TTN) là đối tượng của tổ chức Đoàn. Việc một bộ phận TTN mê game, nghiện game và gây ra những hệ luỵ xấu cho chính người chơi và xã hội là điều tổ chức Đoàn quan tâm.

 

Những hệ luỵ từ “nghiện” game hết sức nghiêm trọng, như: trốn học chơi game, dùng tiền ăn sáng chơi game, nếu không thì dùng học phí để chơi game, nói dối bố mẹ lấy tiền, trộm tiền để nướng vào game, thậm chí là thế chấp xe, ăn cắp đồ của gia đình, hàng xóm, kể cả cướp của, giết người để thoả “cơn nghiệm” game. Nhiều học sinh chơi thâu đêm suốt sáng vì chỉ cần có nhu cầu là chủ quán phục vụ tận nơi thuốc lá, trà đá, bánh mỳ, xôi, nước tăng lực…

 

Không phải nhẫu nhiên khi nhiều học sinh, sinh viên nghiền game online đặt cho các tuyến phố Lê Đại Hành- đoạn gần các trường học tiểu học, THCS Kỳ Bá; THPT Chuyên, Nguyễn Đức Cảnh, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Thành phố, phố Hoàng Công Chất với các trường Cao đẳng: Kinh tế kỹ thuật, Văn hoá nghệ thuật, Y tế, TTGDTX Thành phố… là những khu “chợ game” dành cho học sinh, sinh viên. Bởi chỉ cần có mặt tại những tuyến phố này, dễ dàng bắt gặp vô số quán game online với hàng chục máy tính các loại mọc lên nhu nấm để phục vụ “thượng đế” là học sinh, sinh viên trong khu vực.

 

Trong khoảng hơn 20 m2, đặt 20 máy, chỉ có lối đi nhỏ, hàng chục cái đầu chăm chú vào màn hình, khói thuốc toả ra nghi ngút, rộ lên những tiếng cãi nhau, chửi nhau, những ngôn ngữ mà các game thủ “chế biến” thật kinh  hoàng. Bắn chết nó đi, chết cha rồi!!!, đồ ngu!!!, con… Và càng giật mình hơn khi nhìn lại đa phần là những em nhỏ còn nguyên đồng phục học sinh, đeo khăn quàng đỏ nhưng lại thốt ra thứ ngôn ngữ sặc mùi chợ búa đó. Nhìn lên màn hình, toàn là những cảnh đánh đấm, bắn giết rất ghê rợn, những gương mặt các game thủ thì lại rất hưng phấn khi vừa bắn hạ được “mục tiêu”. Đó là không khí tại các quán internet trên phố Lê Đại Hành mà chúng tôi đã cảm nhận được khi trực tiếp “vi hành”. 

 

Internet phát triển mạnh mẽ không chỉ giúp TTN học tập, giải trí, giảm stress tốt mà còn đồng nghĩa với thực trạng nghiện game online trong giới trẻ ngày càng gia tăng. Xu hướng nghiện game không chỉ dừng lại ở tiệm internet công cộng, mà còn len lỏi trong từng gia đình, tràn từ thành thị về tới nông thôn.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Đó là các biện pháp quản lý của cơ quan có thẩm quyền về game chưa chặt chẽ, thiếu nghiệm khắc, chưa cân đối giữa tỷ lệ game online bạo lực và game giáo dục, sáng tạo. Các loại hình vui chơi cho TTN còn thiếu, toàn tỉnh mới chỉ có 3 nhà văn hoá thiếu nhi  cấp tỉnh, huyện; các trung tâm sinh hoạt, vui chơi lành mạnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi. Giới trẻ đang mất dần không gian và điều kiện cần thiết cho việc nghỉ ngơi, giải trí khi việc học chính, học thêm đã chiếm phần lớn thời gian. Không gian chật hẹp lấy đâu chỗ để bóng đá với đá cầu, chỉ còn cách là chơi game. Đó còn là sự chểnh mảng, thiếu sâu sát trong việc quản lý, giáo dục của phụ huynh đối với con em; khi mà cha mẹ luôn đầu tắt mặt tối với cuộc sống mưu sinh cơm áo, gạo tiền, những đứa trẻ chỉ còn biết tìm đến game, đơn giản chỉ là để giải trí. Và ngay sau đó, cái thế giới ảo đã mê hoặc các em.

 

Đã đến lúc toàn xã hội phải vào cuộc để ngăn chặn mặt trái của game online đang hàng ngày, hàng giờ bủa vây, tác động không tốt đến sự phát triển tâm lý của thế hệ trẻ. Với vai trò chăm lo, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, tạo cho các em sân chơi lành mạnh, bổ ích, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục TTN hiểu rõ cả mặt tích cực, tác hại của game online, đâu là đúng- sai, đâu là giới hạn cần dừng thông qua các buổi toạ đàm hoặc nói chuyện ngoại khoá, sinh hoạt chi đoàn, liên đội…. Có thể phát động các phong trào như: “Tuổi trẻ nói không với game bạo lực”, “Tuổi trẻ với internet”, thành lập các câu lạc bộ…

 

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

                                                                                   

  • Từ khóa