Thứ 2, 25/11/2024, 02:39[GMT+7]

Hội LHPN tỉnh Sân khấu hóa để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động

Thứ 3, 07/06/2011 | 09:47:34
1,639 lượt xem
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách, ban hành cả luật về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình nhằm bảo vệ và phát huy vai trò của một "nửa thế giới". Việc xây dựng các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện, tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông kiến thức là rất cần thiết.

Đội văn nghệ phụ nữ xã Thụy Bình (Thái Thụy) biểu diễn tại buổi mít tinh phòng chống dịch cúm gia cầm.

Song để các nội dung đó đến với đông đảo người dân, nhất là chị em phụ nữ, một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện thì không gì bằng lồng gắn ngay nội dung tuyên truyền vào các làn điệu chèo, thơ ca, hò vè, tiểu phẩm... mà chính chị em là người sáng tác và biểu diễn. Cách làm này đã và đang được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Dân số của Thái Bình có tới 51% là chị em phụ nữ, phần đông chị em gắn bó với “bờ xôi, ruộng mật”. Sản xuất nông nghiệp chính là môi trường, điều kiện cho ra đời và nuôi dưỡng phong trào văn nghệ quần chúng. Bất cứ nhân vật, câu chuyện hay sự kiện nào cũng có thể tạo thành cảm hứng cho chị em sáng tác nên những tiết mục văn nghệ độc đáo, mang nhiều cung bậc tình cảm và tràn đầy ý nghĩa ẩn sau những tiếng cười, điệu múa, lời ca. Dù các tác phẩm đó rất mộc mạc, chân chất như người con gái quê lúa nhưng thật sự hấp dẫn, lôi cuốn, day dứt người nghe, người xem, khiến họ phải suy nghĩ, trăn trở và biến thành hành động cụ thể đáp lại lời kêu gọi mà tác giả gửi gắm trong mỗi tiết mục văn nghệ.

Hiểu rõ tác dụng to lớn của việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thành lập, duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng của trên 1500 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ, trong đó có gần 800 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thu hút hơn 8000 chị em tham gia. Các chị cũng chính là lực lượng nòng cốt trong các phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Thông qua sinh hoạt CLB, cán bộ và hội viên phụ nữ được cung cấp nhiều kiến thức về: Kỹ thuật trồng, chăm bón lúa, rau màu, cây vụ đông, chăn nuôi, kinh doanh, phát triển ngành nghề phụ, thu hút hội viên... thêm cơ hội để giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trong cuộc sống. Đến với CLB, chị em thỏa thích chuyển tải các kiến thức cần tuyên truyền về: Bình đẳng giới, bạo lực gia đình, an toàn giao thông, phòng chống dịch cúm gia cầm, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng quản lý, điều hành CLB... thành một bài thơ, điệu hò, câu vè hoặc một tiểu phẩm... ngắn gọn, xúc tích. Rồi chính các chị sẽ trở thành ca sỹ, diễn viên không chuyên để thể hiện sản phẩm của mình phục vụ khán giả là chị em. Và ở bất cứ nơi đâu: Sân khấu trong nhà hay ngoài trời, hội trường, Nhà văn hóa thôn, sân đình hay nhà của cán bộ hội phụ nữ... đều có thể trở thành nơi sinh hoạt CLB phụ nữ, nơi giao lưu, gặp gỡ của chị em, nơi chị em biểu diễn ngẫu hứng các tiết mục văn nghệ mộc mạc do mình sáng tác.

Hiện nay, hầu hết các buổi tuyên truyền diễn ra theo cách: một người đứng trên bục nói liên tục nhiều nội dung, nhiều vấn đề, những người bên dưới nhớ và hiểu chẳng được là bao. Tuy nhiên, các vấn đề khô cứng, dài dòng đó nếu được lồng gắn vào các tiết mục văn nghệ thì dù là “cây nhà lá vườn”, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi: 15 -20 phút, vẫn khiến người xem hiểu nhanh, nhớ lâu.

Nhiều tiểu phẩm đã để lại ấn tượng với người xem, đến nỗi ngoài đời chị em nào có người thân mắc nghiện, bị nhiễm HIV, vi phạm giao thông, bạo lực gia đình... là nhớ ngay đến và học theo những cách giải quyết tình huống, bảo đảm đúng luật mà vẫn chan chứa tình người, mỗi tác phẩm đã đề cập tới. Như các tiểu phẩm: “Sống giữa tình thương” của Hội phụ nữ Thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), “Chuyện nhà ông Tửu” của Hội Phụ nữ xã Hoa Lư (Đông Hưng), “Đứa con trai” của Hội Phụ nữ xã Vũ Tiến  (Vũ Thư), “Thì ra là thế” của Hội Phụ nữ Vũ Lạc (Thành phố) hay “Gió đã xoay chiều” của Hội Phụ nữ Thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương”... 

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, nhiều CLB, đội văn nghệ quần chúng của chị em phụ nữ đã trang bị thêm đạo cụ, trang phục; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng xử lý, truyền đạt tình huống trong tiểu phẩm cho các thành viên, đáp ứng nhu cầu của chị em và cả xã hội. Hội LHPN tỉnh thời gian qua đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức liên hoan, giao lưu các CLB phụ nữ , tổ chức các hội thi văn nghệ, với chủ đề khác nhau, có nhiều phần thi hấp dẫn, như hội thi “Làng văn hóa sức khỏe”, “Cán bộ phụ nữ cơ sở giỏi”... phát huy tinh thần văn hóa, văn nghệ của chị em, nhằm chuyển tải đa dạng các kiến thức về mọi mặt, cũng như kỹ năng tuyên truyền đến người xem. 

Cách dùng hình thức sân khấu hóa thông qua các CLB văn nghệ của phụ nữ, ngày càng được các cấp, các ngành đánh giá cao, luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ. Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa, chú trọng việc phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của chị em, góp phần xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà.

Trung Hiếu 

  • Từ khóa