Thứ 2, 25/11/2024, 02:24[GMT+7]

Sân chơi nào cho trẻ em nông thôn?

Thứ 5, 09/06/2011 | 15:36:55
2,609 lượt xem
Tuy không có nhiều sân chơi nhưng so ra, học sinh- thanh thiếu nhi (TTN) ở Thành phố hay ở thị trấn vẫn còn may mắn hơn trẻ em vùng nông thôn. Với các hoạt động như: Mô hình trường năng khiếu, nhà văn hoá thiếu nhi, trung tâm văn hoá TTN luôn sôi động bởi các lớp võ thuật, bóng bàn, bơi, hát múa... Các em có thể tự do lựa chọn địa điểm, thời gian sinh hoạt.

Trẻ em ở nông thôn thiệt thòi hơn trẻ em Thành phố, thị trấn, các em ít được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, không biết chơi ở đâu và “đói” những trò chơi bổ ích. Ảnh: Thành Tâm

 

Nếu không, các em vẫn còn nhiều nơi đến: thư viện, rạp phim hay đi du lịch cùng gia đình... Còn  học sinh ở nông thôn thì thiệt thòi hơn nhiều, ít được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, không biết chơi ở đâu và “đói” những trò chơi bổ ích.

 

Một trong những khó khăn lớn nhất của TTN nông thôn là điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều em, trong suốt kỳ nghỉ hè vẫn phải phụ giúp cha mẹ, thời gian rỗi rất ít; nhiều phụ huynh dường như ít quan tâm, thậm trí không quan tâm đến việc con mình sẽ chơi gì, chơi ở đâu, chơi như thế nào trong những ngày nghỉ hè. Hơn nữa, các hoạt động hè dành cho lứa tuổi TTN còn quá ít, có chăng cũng chỉ diễn ra giải bóng đá, bóng bàn nhỏ lẻ, đa phần không thu hút được các em tham gia do kinh phí, quy mô tổ chức còn hạn chế...

 

Các xã đều có trung tâm học tập cộng đồng nhưng những nơi này chưa phát huy tác dụng để trở thành điểm đến cho các em trong dịp hè; tại các bưu điện văn hoá xã thì số đầu sách, báo quá ít, chủ yếu là sách cũ. Vì vậy, thời gian rỗi các em chỉ biết chơi với nhau vài trò chơi dân gian, xem tivi, tắm sông, leo trèo nghịch ngợm hay la cà vào các hoạt động giải trí sai lệnh, nhất là hiện nay có khá nhiều điểm internet đang “bao vây” các em. Tình trạng trẻ em chui xuống gầm cầu, ngồi “vắt vẻo” trên các cửa xả để câu cá, hóng mắt, nhảy sông rất dễ xảy ra hiểm họa thì chẳng bị ai nhắc nhở, nghiêm cấm.

 

Những tai nạn, những cái chết thương tâm đó không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình các em mà là vấn nạn của toàn xã hội.  Không có sân chơi bổ ích, một số học sinh vùng nông thôn thuộc diện gia đình khá giả, bố mẹ ít quan tâm quản lý thường sa đà vào các quán internet với những trò chơi bạo lực và nhiều ấn phẩm độc hại tiềm ẩn cũng là điều dễ hiểu.

 

Tiếp cận với một số học sinh ở xã Quang Trung (Kiến Xương), chúng tôi nhận được các câu trả lời rất hồn nhiên: “Nghỉ hè, bọn em chẳng biết làm gì, ngoài việc chăn dắt trâu bò, thả diều, rủ nhau ra sông bơi” hoặc “Thỉnh thoảng, bọn em cũng tham gia sinh hoạt múa hát buổi tối do các anh chị trong thôn tổ chức nhưng các trò chơi, các bài hát múa thì năm nào cũng vậy nên nhiều bạn nản, không thích tham gia sinh hoạt”.

 

Được biết, mùa hè năm nay, cùng với sự vào cuộc của các huyện, thành phố, Ban Chấp hành Huyện đoàn Kiến Xương đang tích cực triển khai kế hoạch hoạt động hè cho các em với chủ đề “Mùa hè sôi động, an toàn và thân thiệt”. Theo đó, ngoài các hoạt động ca múa hát tập thể tại địa bàn dân cư; các cơ sở đoàn trong toàn huyện còn tổ chức ôn tập hè cho các em cùng nhiều hoạt động khác như: tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xã hội từ thiện... Tuy nhiên, tại một số địa phương, Ban chỉ đạo hè vẫn chưa phát huy được vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hè, do vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho đoàn thanh niên.

 

Ban chỉ đạo hè chỉ tham gia vài ba hoạt động bề nổi dịp đầu hè, mà những hoạt động này chỉ có một số học sinh được trực tiếp tham gia. Trên quy mô cấp huyện, Huyện đoàn Kiến Xương phối hợp với Trung tâm Văn hoá mở một số lớp về hát chèo, bóng bàn... và 2 lớp học bơi nhưng cũng chỉ đáp ứng được như cầu của số ít TTN.

 

So sánh giữa thành phố và nông thôn sẽ thật khập khiễng, song rõ ràng ở nông thôn có không gian rộng rãi nhưng lại thiếu những trò chơi, sinh hoạt bổ ích. Một sân chơi hè chỉ được xem là bổ ích, lành mạnh khi nó được tổ chức chu đáo, an toàn, có định hướng và có nhiều trò chơi phong phú, tập hợp được đông đảo TTN, giúp các em vừa vui chơi giải trí vừa có thể học tập, phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng xem ra điều này còn quá xa vời, khó thành hiện thực với trẻ em nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

 

Để các em thực sự có một kỳ nghỉ hè bổ ích và an toàn, nên chăng các cấp, các ngành chức năng cần có sự vào cuộc đồng bộ; quan tâm đầu tư, hỗ trợ trong việc xây dựng các điểm vui chơi, giải trí công cộng tại cơ sở. Đầu tư cho các em hôm nay cũng chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Cần tích cực tuyên truyền giúp các em nâng cao nhận thức, biết cách phòng tránh tai nạn xã hội cũng như tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra. Mùa hè đã bắt đầu, mong rằng công tác này sẽ được “người lớn” quan tâm hơn để tất cả TTN nông thôn đều được hưởng những ngày hè thật vui , thật bổ ích.

 

Đức Dũng

  • Từ khóa