Thứ 3, 26/11/2024, 04:30[GMT+7]

Cựu chiến binh huyện Thái Thụy làm kinh tế giỏi

Thứ 3, 01/08/2017 | 09:12:52
1,457 lượt xem
Nếu như năm 2012 tỷ lệ hộ hội viên nghèo của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Thái Thụy là gần 2%, hộ cận nghèo hơn 1% thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,49%, hộ cận nghèo còn 0,65%. Kết quả trên thể hiện ý chí tự lực, sáng tạo, hăng hái của hội viên trong lao động, sản xuất, kinh doanh.

Hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Thái Thụy làm giàu từ mô hình trồng thanh long.

Sau khi nghỉ công tác, CCB Phạm Bá Quận, thôn An Tiêm 3 (Thụy Dân) tích cực tham gia và thực hiện tốt các phong trào thi đua do hội CCB các cấp phát động, trong đó có phong trào phát triển kinh tế. Năm 2006, ông khởi nghiệp với xưởng may chuyên gia công các sản phẩm như ba lô, túi xách, quần áo phục vụ tang lễ để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. 

Ông Quận cho biết: Trong làm ăn thì không tránh khỏi những lúc khó khăn nhưng nghị lực và ý chí của người lính đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, thử thách trên thương trường để duy trì hoạt động sản xuất tại xưởng may. Khi sản xuất phát triển tôi quyết định thành lập Công ty May xuất nhập khẩu thương mại Quyết Tiến, đồng thời mở rộng nhà xưởng, phát triển mạng lưới lao động vệ tinh ở các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Đông Hưng. Hiện nay, Công ty tạo việc làm cho 30 lao động tại chỗ, 120 lao động vệ tinh với mức lương trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty của ông Quận là 1 trong 58 doanh nghiệp và 57 trang trại, 164 gia trại, 86 đầm nuôi trồng thủy sản mà hội viên hội CCB các cấp đang làm chủ. Thời gian qua, để giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, các cấp hội CCB huyện Thái Thụy đã liên kết tạo nguồn vốn bằng nhiều hình thức. Trong đó, thành lập 73 tổ tiết kiệm cho hội viên vay vốn, tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội vay 50 tỷ đồng cho 1.239 hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, từ năm 2012 - 2017, các cấp hội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 75 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt cho 8.280 hội viên; tổ chức 240 buổi tiếp thu nghiệp vụ cho 8.820 lượt thành viên các tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ nguồn vốn được vay cùng với tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đã giúp nhiều hội viên phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, duy trì làng nghề truyền thống, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từ đó làm giàu cho gia đình và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Tổng kết phong trào CCB làm kinh tế giỏi, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015, toàn huyện có 97 hội viên được công nhận CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó 5 hội viên được Trung ương Hội CCB Việt Nam công nhận, 7 hội viên Hội CCB tỉnh công nhận.

Theo ông Lưu Tiến Chức, Chủ tịch Hội CCB huyện Thái Thụy: Từ những kết quả trong phong trào CCB tham gia phát triển kinh tế đã khẳng định vai trò, vị trí của những người lính trên mặt trận mới, ở hoàn cảnh nào cũng luôn năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội CCB huyện Thái Thụy tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự cường tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Theo đó, phấn đấu mỗi năm giảm 0,2% tỷ lệ hộ CCB nghèo theo tiêu chí mới, huy động các nguồn lực tiếp tục xóa nhà dột nát, xây dựng nhà mới cho hội viên…

Để đạt được kết quả trên, thời gian tới, các cấp hội CCB huyện Thái Thụy sẽ chủ động đề xuất với chính quyền các cấp tạo thuận lợi về vốn, mặt bằng, cơ chế, chính sách để CCB là chủ doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh có điều kiện mở rộng ngành nghề, tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất theo chỉ đạo của tỉnh, huyện; chỉ đạo các tổ tiết kiệm do CCB làm tổ trưởng hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Trần Tuấn