Thứ 3, 26/11/2024, 04:44[GMT+7]

Để bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu quả (Kỳ 3)

Thứ 3, 01/08/2017 | 11:10:52
1,297 lượt xem
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, tuy nhiên, hiện nay, quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế (TGBC) và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tùng Lộc (cụm công nghiệp Đông La, Đông Hưng).

Kỳ 3: Còn nhiều khó khăn

Thiếu biên chế nhưng vẫn phải tinh giản

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thời gian qua, một số sở, ngành đã thực hiện sáp nhập một số phòng, ban, chi cục song mới chỉ là phép cộng dồn, chưa đạt mục tiêu giảm đầu mối và biên chế đề ra. Đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục bị ràng buộc bởi những quy định có phần cứng nhắc, chưa phù hợp thực tế dẫn tới có nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, phân tán, lãng phí về nguồn lực; chưa có cơ chế để huy động doanh nghiệp và nhân dân tham gia cung cấp dịch vụ công bình đẳng với khu vực nhà nước. Đặc biệt, bậc học mầm non theo quy mô hiện tại toàn tỉnh còn thiếu 5.832 biên chế. 

Trong đợt khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 tại một số sở, ngành, địa phương có nhiều ý kiến cho rằng: Hiện nay, ở một số sở, ngành, đơn vị, khối lượng công việc ngày càng tăng nên thực hiện TGBC sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hai ngành Giáo dục và Y tế. Bởi hai ngành này tính biên chế giáo viên và bác sĩ theo sĩ số học sinh và tỷ lệ giường bệnh mà hiện cả học sinh và giường bệnh đều đang vượt quá so với số lượng giáo viên và bác sĩ quy định. Thậm chí, ngành Y tế khi thực hiện tinh giản nhưng biên chế vẫn tăng: năm 2016 tuyến tỉnh được giao 2.297 người, tuyến huyện 4.047 người nhưng tổng cán bộ ngành đang quản lý tuyến tỉnh là 2.301 người (tăng 4 người), tuyến huyện là 4.108 người (tăng 71 người). 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân.

Đồng chí Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cán bộ tăng là do các kỳ thi tuyển, ngành Y tế không tuyển được bác sĩ có trình độ cao để nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, vì vậy phải lấy lao động hợp đồng; theo quy định mới một loạt cán bộ trạm y tế nâng lên làm viên chức... Hiện nay, hầu hết các bệnh viện cả tuyến tỉnh và tuyến huyện đều phải kê thêm giường mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Nếu theo quy định của Bộ Y tế tính số bác sĩ trên giường bệnh thì toàn ngành còn thiếu trên 200 bác sĩ đa khoa, bác sĩ có tay nghề cao. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% tổng biên chế với ngành Y tế là vấn đề nan giải.

Trong tháng 3/2017, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh và một số địa phương về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thừa nhận: Hiện nay, việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ còn một số lĩnh vực thiếu rõ ràng, chồng chéo hoặc còn thiếu cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả để khắc phục các chồng chéo. Một số bộ, ngành trung ương đang có xu hướng tăng thêm chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, từ đó kéo theo tăng thêm biên chế, tổ chức bộ máy dưới cơ sở. Vì vậy, một số sở, ngành bộ máy còn cồng kềnh, có xu hướng thành lập thêm các chi cục, các trung tâm trực thuộc. Quá trình thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến bố trí cán bộ, biên chế, chế độ, chính sách, trách nhiệm quyền lợi của cán bộ, công chức nên cũng có lúc chưa bảo đảm việc TGBC theo quy định. Việc xây dựng cơ cấu công chức mới dựa vào phân tích thống kê kinh nghiệm, chưa phân tích mức độ phức tạp theo vị trí công việc trong từng cơ quan; tiêu chuẩn, định mức quản lý sử dụng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập vừa thiếu, vừa lạc hậu kéo dài, thiếu quan tâm cụ thể hóa điều chỉnh kịp thời. Cơ chế sử dụng chưa thật sự trở thành động lực khuyến khích cán bộ, công chức tự giác làm việc; đánh giá, phân loại, tôn vinh, thu nhập chưa gắn với kết quả công việc.

Các thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức làm hồ sơ nhận nhiệm vụ tại Sở Nội vụ.


Chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Sau khi tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy việc TGBC trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Tỷ lệ TGBC mới thể hiện ở đối tượng nghỉ hưu đúng tuổi hoặc chuyển công tác, nghỉ thôi việc. Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị theo hướng thu gọn đầu mối, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập kết quả còn hạn chế. Còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; chưa chủ động lập kế hoạch, giao chỉ tiêu và xác định đối tượng TGBC; còn tư tưởng trông chờ, giữ ổn định tổ chức, biên chế của đơn vị mình, do đó chưa chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức các phòng, ban các đơn vị trực thuộc tổ chức mình theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả để thực hiện TGBC theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Cán bộ Trung tâm hành chính công huyện Hưng Hà giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Tuân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyên nhân do hệ thống văn bản quy định về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vừa thừa vừa thiếu, ban hành nhiều (khoảng hơn 200 loại văn bản), trong đó nhiều văn bản về tổ chức bộ máy thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi. Nhận thức chung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính còn hạn chế; chưa coi cải cách tổ chức bộ máy là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của từng cán bộ, công chức. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính đôi khi chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức một số cơ quan, đơn vị chưa đồng đều; tính chuyên nghiệp và chuyên sâu, kỹ năng hành chính của cán bộ, công chức còn thấp, vẫn còn tình trạng thừa về số lượng nhưng lại thiếu công chức có năng lực làm việc, đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở một số ngành, địa phương đã chỉ ra các hạn chế nhưng chậm được khắc phục. Chưa có nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách thật sự hiệu quả, tạo động lực cải cách của đa số cán bộ, công chức cũng như chưa có chế tài xử lý nghiêm bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, kém phẩm chất trong thực thi công vụ. Khi giảm tổ chức bộ máy hành chính, giảm biên chế đã động chạm tới quyền lợi của nhiều bộ phận cán bộ, công chức, do vậy một số thủ trưởng đơn vị, cán bộ, công chức không quyết tâm thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính ở chính cơ quan, đơn vị mình.

Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thái Bình đã tích cực chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC và giảm được số lượng biên chế theo lộ trình đề ra, tuy nhiên mới chỉ là giảm cơ học, đó là những người về nghỉ chế độ và không tuyển bù. Việc thực hiện TGBC ở Thái Bình đang gặp nhiều bất cập, tổng số biên chế trong toàn tỉnh còn thiếu so với quy định đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ mà nay lại phải thực hiện TGBC thì càng thêm khó khăn. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: TGBC là chủ trương đúng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng đội ngũ CBCCVC. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 39 và Nghị định số 108 sẽ đúng và có tính khả thi đối với một số địa phương có bộ máy cồng kềnh, thừa biên chế theo quy định còn với Thái Bình sẽ rất khó thực hiện. Vì vậy, khi thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về TGBC cần phù hợp với thực tiễn ở các địa phương và có những cơ chế đặc thù cho những tỉnh đang thiếu biên chế.



Đồng chí Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư

Những năm qua, huyện Vũ Thư đã đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nên cơ cấu tổ chức bộ máy đã hợp lý hơn, ít chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, sửa đổi văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ không ổn định, các địa phương chưa kịp ban hành văn bản cụ thể hóa văn bản của cấp trên thì lại điều chỉnh, sửa đổi, do vậy, việc sắp xếp lại bộ máy, phân rõ chức năng, nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện các phòng: Y tế, Nội vụ, Tư pháp chưa được sử dụng con dấu riêng, không có tài khoản riêng nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Ông Đoàn Trọng Thinh, xã Đông Vinh (Đông Hưng)

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đặc biệt là việc TGBC nhằm đưa ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước những cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, có khuyết điểm, để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn là chủ trương đúng, nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, việc thực hiện TGBC hiện nay chủ yếu là nghỉ hưu đúng tuổi và theo tinh thần tự nguyện, thiếu giải pháp tích cực để buộc thôi việc đối với những trường hợp trình độ, năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì vậy, cá nhân nào muốn xin được nghỉ trước tuổi thì tỉnh nên có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện.


(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Hiền