Thứ 3, 26/11/2024, 05:01[GMT+7]

Để bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu quả (kỳ 5)

Thứ 5, 03/08/2017 | 08:39:58
1,274 lượt xem
Ngày 24/3/2017,UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 689 phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm (từ năm 2015 đến năm 2021) trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Thái Bình, trong đó yêu cầu giai đoạn 2015 - 2021 phải giảm tối thiểu 10% số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) so với biên chế giao năm 2015.

Cô và trò Trường Mầm non Tây Giang (Tiền Hải) trong giờ học hát.

Điều đó cho thấy quyết tâm cao của tỉnh trong việc cải tổ bộ máy hành chính nhà nước và tinh gọn biên chế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần xác định rõ các giải pháp cụ thể thực hiện trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Kỳ 5: Tinh giản biên chế - đã làm phải thực chất

Phải bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng CBCCVC
Tinh giản biên chế (TGBC) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được thực hiện liên tục, thường xuyên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế là sau nhiều năm thực hiện, việc tinh giản số lượng biên chế không giảm mà còn tăng thêm, có nghĩa là chính sách TGBC chưa thật sự giảm được những người cần giảm. Kế hoạch TGBC lần này của UBND tỉnh có mục đích cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chọn lựa được những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. TGBC sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và cải cách chính sách tiền lương.

Làm đường giao thông nội đồng ở xã Vũ Công (Kiến Xương).


Tại cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Nội vụ báo cáo kế hoạch TGBC của tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: TGBC phải bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hoạt động công vụ. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBCCVC, người lao động về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. TGBC phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị gắn với đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, tránh tình trạng bình quân, dập khuôn, máy móc; đồng thời, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hoạt động công vụ; đặc biệt, phải có lộ trình cụ thể để bảo đảm ổn định tình hình. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt việc đánh giá, phân loại CBCCVC hàng năm làm căn cứ TGBC đối với những CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định, những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức. Phải tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của cấp ủy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện TGBC.

TGBC phải hướng đến thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức, bố trí hợp lý, tăng cường trách nhiệm và tăng năng suất lao động. Với mục tiêu đó, trong TGBC, khâu quan trọng chính là tiếp tục xác định vị trí việc làm, xây dựng tiêu chuẩn, chức danh làm căn cứ giao và quản lý biên chế công chức, số lượng viên chức trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị hàng năm. Ngoài ra, việc lập danh sách TGBC phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, đúng đối tượng, chính sách, trên cơ sở xác định cơ cấu, số lượng CBCCVC theo từng vị trí việc làm và kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định. Đặc biệt coi trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Thực hiện tốt chính sách kiêm nhiệm công việc, khoán phụ cấp để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và giảm dần số người hoạt động không chuyên trách.


Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn cho đối tượng làm hồ sơ hưởng chế độ theo quy định.

Giải quyết những bất cập

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị: Hiện nay, Nghị định số 92 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định chức danh chung trong toàn quốc có 7 chức danh, trong khi số lượng công chức lại quy định từ 11 đến 14 biên chế, chưa tạo được sự thống nhất về tên chức danh công chức tăng thêm giữa các địa phương. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi quy định số lượng chức danh đối với công chức cấp xã; quy định bố trí chức danh kiêm nhiệm bắt buộc; điều chỉnh mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phù hợp với điều kiện hiện nay. Có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để thực hiện TGBC theo Nghị quyết số 39. Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế đánh giá và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã trở lên; phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, làm rõ phạm vi thẩm quyền của trung ương và địa phương trong từng lĩnh vực quản lý. Một bất cập nữa hiện nay là giáo viên bậc mầm non của tỉnh còn thiếu 5.832 biên chế so với định mức quy định nên UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ sớm giao tăng biên chế cho các trường mầm non để bảo đảm chất lượng giáo dục và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên ở bậc học này.

Bộ đội giúp nông dân xã Minh Lãng (Vũ Thư) gặt lúa.

Theo đồng chí Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Vũ Thư: TGBC là việc khó nhưng muốn nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước thì vẫn phải làm và cần làm tốt. Theo đó, các cơ quan, đơn vị phải đánh giá cán bộ chính xác, đúng người, đúng việc làm cơ sở cho việc bố trí, sắp xếp và TGBC. Đối với  ngành Y tế và ngành Giáo dục, việc TGBC hiện nay gặp nhiều khó khăn nên để thực hiện được cần phải tính biên chế giáo viên trên đầu học sinh, cơ cấu giáo viên dạy các môn học cho phù hợp, điều chỉnh định mức lao động của giáo viên; TGBC căn cứ theo tỷ lệ quy định số lượng bác sĩ trên giường bệnh hoặc chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng xã hội hóa.

TGBC là chủ trương đúng, giải pháp quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc TGBC lại rất khó khăn, nhiều nơi chỉ coi mục tiêu TGBC là giảm cơ học một số lượng biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước chứ chưa gắn với thực hiện các nội dung của cải cách chế độ công vụ, công chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Vì vậy, cái chúng ta cần trong TGBC là phải làm đồng bộ, quyết liệt, có lộ trình cụ thể, bảo đảm thông suốt về mặt nhận thức, tinh thần, tư tưởng, không gây xáo trộn trong tâm lý CBCCVC. Gắn TGBC với thực hiện mục tiêu xây dựng cơ cấu, số lượng công chức, viên chức theo chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ, có chính sách phù hợp tuyển dụng, sử dụng con người, đi cùng đó là các giải pháp rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Có như vậy mới loại bỏ được thực trạng “vừa thừa vừa thiếu” người làm việc và khắc phục được bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ  “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống” như hiện nay.


Đồng chí Phạm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Châu (Đông Hưng)

TGBC là chủ trương đúng bởi số lượng công chức, viên chức hiện nay rất lớn, vượt quá “sức chịu đựng” của ngân sách nhà nước nhưng nên tinh giản những người ở diện “có cũng được mà không cũng được”, thường “sáng cắp ô đi, tối cắp về” và tinh giản bằng cách tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước thì mới đạt hiệu quả như mong muốn. Theo đó, ở cấp xã, các chức danh có thể lồng ghép như tài chính - kế hoạch và kế toán - ngân sách, chủ tịch hội nông dân cho kiêm phó giám đốc HTX DVNN; các chức danh thừa như cán bộ địa chính 2 có thể tinh giản.


Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng, Trường Mầm non Đông Hoàng (Đông Hưng)

Sau 13 năm cống hiến, hưởng lương hợp đồng, tôi may mắn được tuyển vào biên chế. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều đồng nghiệp theo nghề nhiều năm nhưng vẫn là giáo viên hợp đồng trong khi theo quy định các trường mầm non vẫn thiếu rất nhiều biên chế. Công việc chăm sóc trẻ rất vất vả, đồng lương giáo viên hợp đồng không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, tôi đề nghị trung ương sớm giao thêm biên chế giáo viên mầm non cho tỉnh; các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng tiêu chí thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch trong quá trình tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non.

Ông Lê Tri Phơ, xã Thái An (Thái Thụy)

Để TGBC hợp lý nhất và khoa học nhất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đề cao trách nhiệm, phải làm cho mọi người cùng thống nhất về nhận thức, quan điểm, mục tiêu của việc TGBC. Không ngại tinh giản các trường hợp “con ông cháu cha” không làm được việc, kiên quyết không để xảy ra trường hợp người cần tinh giản không tinh giản, người không làm được việc lại ở lại. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác hậu tinh giản. Cũng cần có quy định trách nhiệm cho những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu thực hiện TGBC không đúng đối tượng.    


Nguyễn Hình - Thu Hiền