Thứ 3, 26/11/2024, 05:01[GMT+7]

Gỡ khó trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

Thứ 5, 17/08/2017 | 08:20:45
1,371 lượt xem
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Thái Bình đã có hàng nghìn ngôi nhà của người có công được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này tại các địa phương vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Người có công xã Đông Lâm (Tiền Hải) vui mừng khi được ở trong nhà mới.

Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2521 năm 2013, tổng số gia đình cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh là 25.830 hộ với tổng kinh phí trên 1.091 tỷ đồng. Trong đó có 15.827 trường hợp xây mới, 10.003 trường hợp sửa chữa. 

Từ năm 2012 - 2013, Thái Bình đã hoàn thành hỗ trợ 2.716 nhà, trong đó 1.884 nhà xây mới và 832 nhà sửa chữa, tổng số tiền đã hỗ trợ gần 120 tỷ đồng. 

Từ năm 2014 - 2016 đã có 1.057 đối tượng người có công thuộc nhóm ưu tiên 1 được hỗ trợ về nhà ở. 

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 761 hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 450 gia đình người có công khó khăn về nhà ở thuộc 7 nhóm đối tượng ưu tiên 1 nhà ở xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao, tổng kinh phí thực hiện gần 16 tỷ đồng. 

Tuy nhiên đến ngày 25/7 toàn tỉnh đã có 234 hộ khởi công xây mới nhà ở, trong đó có 200 hộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 56 hộ triển khai tu sửa, trong đó có 48 hộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 160 hộ xin rút khỏi danh sách được hỗ trợ nâng cấp nhà ở, nhiều gia đình vẫn còn chần chừ chưa khởi công dẫn đến tiến độ xây dựng chậm hơn so với dự kiến.

Bà Nguyễn Thị Sớn ở thôn Lang Trung, xã Trung An (Vũ Thư) là mẹ liệt sĩ, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Hiện bà đang ở cùng con trai trong ngôi nhà được xây từ năm 1970, đến nay mái ngói đã dột nát, tường bong tróc và tổng thể ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Được tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng nhưng mẹ con bà vẫn chưa quyết định việc xây cất căn nhà mới. 

Anh Nguyễn Văn Mười, con trai bà Sớn chia sẻ: Hàng tháng thu nhập của tôi được khoảng 3 triệu đồng, mẹ tôi được hơn 1,3 triệu đồng từ tiền chế độ, tổng nguồn thu nhập này chỉ đủ sinh hoạt thường xuyên, không có tiết kiệm nên chưa có điều kiện xây nhà mới. Mặc dù được hỗ trợ 40 triệu đồng song đối với gia đình tôi cũng  không thể xây được nhà mới.

Không chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Sớn, đây cũng là khó khăn của nhiều gia đình chính sách trong diện được hỗ trợ xây, sửa nhà ở hiện nay. Năm 2017, huyện Vũ Thư được hỗ trợ xây mới 122 nhà và sửa chữa 33 nhà. Đến nay, 82 nhà đã đưa vào sử dụng và đang hoàn thiện, 73 nhà xin rút khỏi danh sách được hỗ trợ kinh phí lần này. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vũ Thư cho biết: Lúc đầu có nhiều hộ đăng ký xây mới nhưng khi tính số tiền xây vượt quá số tiền hỗ trợ họ chuyển lại xin sửa chữa. Bên cạnh đó, có những hộ xin sửa chữa nhưng khi dỡ nhà ra hỏng hết lại chuyển xin xây mới. Chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, địa phương có giải pháp tạo điều kiện cho những gia đình này để sớm giải quyết được vấn đề nhà ở. Một trong những nguyên nhân các gia đình xin rút khỏi danh sách hỗ trợ dẫn đến tiến độ thực hiện xây mới và sửa chữa ở nhiều địa phương chậm hơn so với dự kiến là do thiếu kinh phí đối ứng, đối tượng chuyển sang ở với con cháu hoặc không còn nhu cầu xây, sửa. Một số hộ còn vướng mắc thủ tục về đất đai hay gia đình xin chuyển đổi hình thức sửa chữa từ mái bằng sang mái ngói, mái tôn.

Xây dựng nhà ở cho người có công tại xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình).

Tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, trả lời chất vấn của một số cử tri về giải quyết khó khăn, vướng mắc về nhà ở cho người có công, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những giải đáp cụ thể. Đối với trường hợp một số gia đình xin chuyển đổi hình thức sửa chữa từ mái bằng sang mái ngói, mái tôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã có Công văn số 796 về việc điều chỉnh văn bản hướng dẫn liên ngành số 04, trong đó tiêu chuẩn mái cứng có thể làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc lợp bằng các loại tấm lợp có chất lượng tốt như tôn, fibro xi măng, gỗ bảo đảm bền chắc. Đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương cần tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa, trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ kinh phí đối ứng để sớm triển khai xây dựng. Trường hợp gia đình đăng ký sửa chữa nhưng khi dỡ ra nhà đã quá xuống cấp nên xin chuyển sang xây mới và hộ đăng ký xây mới nhưng không đủ kinh phí đối ứng xin chuyển sửa chữa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến của tỉnh để có phương án giải quyết.

Để người có công sớm được ở trong những ngôi nhà kiên cố, tháng 7 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát đối tượng người có công được thụ hưởng, kiểm tra hiện trạng nhà ở và hoàn cảnh từng gia đình. Những kiến nghị, đề xuất của người dân đã được tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Nguyễn  Cường