Thứ 2, 25/11/2024, 01:38[GMT+7]

Thôn Sàng Lấy sức mạnh lòng dân

Thứ 6, 24/06/2011 | 09:08:16
1,443 lượt xem
Ấn tượng của tôi về thôn Sàng, xã Chí Hòa (Hưng Hà) là những con số biết nói: 8 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, 12 năm liền đạt khu dân cư tiên tiến, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng bằng công nhận 20 năm có thành tích xuất sắc xây dựng làng văn hóa, nhiều lần được Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen và giấy khen do các cấp, các ngành, đoàn thể trao tặng. Sức mạnh lòng dân đã làm lên thành tích đáng khâm phục của thôn Sàng.

Nông thôn Chí Hòa ( Hưng Hà ) hôm nay. Ảnh: Thành Tâm

Để chủ trương chung của tỉnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhanh diện tích cấy lúa dài ngày, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm, trồng cây, nuôi con có năng suất, chất lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, được cán bộ và nhân dân thôn Sàng hưởng ứng tích cực. Những năm qua, ban công tác (BCT) mặt trận đã tập trung tuyên truyền, vận động bằng mọi hình thức đa dạng và phong phú. 

Nếu như năm 2005, diện tích cấy lúa dài ngày vẫn còn chiếm trên 30% diện tích canh tác của cả thôn, thì chỉ 5 năm sau, cây lúa ngắn ngày đã được hầu hết các gia đình chọn để gieo cấy. 2% diện tích vẫn duy trì cấy lúa dài ngày là do chân ruộng quá thấp.

Năm 2008, Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình muốn hợp tác cùng nông dân thôn Sàng quy vùng 20 mẫu, cấy lúa giống cung cấp lâu dài cho công ty, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của một số bà con, các thành viên BCT mặt trận thôn cùng cấp ủy, chính quyền xã, thôn đã phân tích, giảng giải cho từng người hiểu cấy lúa giống hiệu quả cao hơn nhiều so với cấy thóc thịt, thì tất cả đều đồng tình tham gia. Đến nay, vùng sản xuất lúa giống phát triển tốt, góp phần nâng cao đời sống cho một bộ phận nhà nông, lại phù hợp với mô hình nông thôn mới đang được triển khai trong toàn tỉnh.

Và chính sự nhiệt tình, trách nhiệm của những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” trong tuyên truyền vận động các đoàn thể, quần chúng và nhân dân tích cực sản xuất vụ đông, gắn với xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha đã đưa thôn Sàng trở thành thôn có diện tích trồng cây vụ đông nhiều nhất, nhì xã Chí Hòa: 15,5 ha (chiếm 68% diện tích canh tác), xây dựng thành công cánh đồng 50 triệu/ha từ năm 2003. Mô hình gia trại, trang trại thu nhập mỗi năm từ 60 đến 100 triệu đồng ngày càng nhiều, như mô hình của các ông: Phạm Văn Tốn, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Huy… ý Đảng và lòng dân thôn Sàng hòa quyện đã nâng đời sống mỗi năm một cao hơn.

Năm 2005, tổng thu nhập cả thôn mới đạt trên 2 tỷ thì năm 2010 đã tăng lên 3,5 tỷ; lương thực bình quân cho một đầu người từ 1000 kg (2005) lên 1500 kg (2010). 90% số hộ trong thôn có đời sống kinh tế ổn định, hiện thôn không còn hộ thiếu đói lúc giáp hạt, hộ nghèo giảm xuống còn 6 hộ, chủ yếu là hộ người cao tuổi sống độc thân. 100% hộ xây được nhà mái bằng kiên cố, có điện chiếu sáng, có phương tiện nghe nhìn; trên 90% hộ có nhà xí hợp vệ sinh.

Mọi người dân thôn Sàng đều tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội theo độ tuổi, giới tính, khi cần truyền đạt tinh thần các nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp và Chi bộ thôn tới nhân dân, BCT mặt trận chỉ triển khai tới các đoàn thể. Nhân dân muốn đề đạt ý kiến với cấp trên, cứ thông qua đoàn thể nơi mình sinh hoạt là tới và sẽ được xem xét, giải quyết thỏa đáng.

Tuy còn phải vất vả mưu sinh nhưng nhân dân thôn Sàng luôn phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc, cùng nhau góp vốn cho những gia đình khó khăn vay phát triển kinh tế, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, phúng viếng khi qua đời, tiết kiệm chi tiêu ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ nhân dân vùng lũ miền Trung, xây dựng quỹ Hội chữ thập đỏ của thôn giúp đỡ những hộ gặp hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống.

Cứ vào dịp đầu năm, BCT mặt trận tổ chức họp dân, thông qua quy ước, hương ước thôn, làng để bà con cho ý kiến bổ sung, sửa đổi. Do thực hiện dân chủ mọi lúc, mọi nơi nên thôn Sàng nhiều năm qua không ai vi phạm quy ước, hương ước, luôn chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương. Thôn không có đối tượng nghiện ma túy hay mắc tai tệ nạn xã hội. Trái lại, mọi người còn tích cực góp công, góp của bê tông hóa đường ra nghĩa trang, hoàn thiện nốt đường làng, tu sửa sân và cánh cửa đình làm nơi hội họp, giao lưu văn hóa. Đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, hạn chế hút thuốc lá, không có trường hợp cưới tảo hôn, bỏ hẳn tục ăn cỗ trong đám ma, giảm phúng viếng vòng hoa.

Hàng năm, cán bộ, nhân dân thôn Sàng vui mừng tham dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân, chủ động đăng ký phấn đấu đạt gia đình, dòng họ văn hóa năm tiếp theo. Công tác chăm lo sức khỏe nhân dân, giáo dục, y tế luôn được quan tâm đúng mức. Không chỉ phát động toàn dân dọn vệ sinh môi trường vào ba ngày mồng 4, 14 và 24 hàng tháng thôn Sàng còn xây dựng bãi rác thải xa dân, rộng 700 m2 và 20 bể chứa rác thải, vỏ bao thuốc trừ sâu đặt ngoài cánh đồng. Chính vì thế mà môi trường ở khu dân cư và nơi công cộng, cả ngoài cánh đồng của thôn Sàng luôn xanh, sạch, đẹp.

Năm 2010, thôn Sàng có 105 hộ dân thì 96 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 94%), nhân dân vừa chăm chỉ làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vừa đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đỗ Hiền

  • Từ khóa