Thứ 2, 25/11/2024, 02:02[GMT+7]

Không chồng đã khổ, có chồng cũng... khổ

Thứ 6, 01/07/2011 | 09:46:06
2,487 lượt xem
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng sự trớ trêu, chua chát và cay đắng đó vẫn đang diễn ra giữa đời thường và có xu hướng ngày càng nhiều hơn trên khắp mọi nẻo đường quê, không ngoại trừ cả nơi thành thị. Nỗi khổ của những người trong cuộc dường như chỉ mình họ hiểu, mình họ âm thầm chịu đựng.

Ảnh mang tính minh họa.

Không chồng khổ lắm ai ơi!

 

Ngày này qua tháng khác, chị Đ.T.K (Vũ Thư) luôn ăn một mình, làm một mình, lúc vui cũng chỉ một mình, lúc buồn không biết chia sẻ cùng ai, cô đơn giữa 4 bức tường ảm đạm. Bốn mùa vẫn vậy. Chị không ốm đau bệnh tật, cũng không “đui, què, mẻ, sứt”, lúc trẻ nhiều anh theo đuổi nhưng hết tuổi xuân rồi mà vẫn chưa một lần được mặc áo cô dâu, đành chấp nhận làm bà cô không chồng đau khổ.

 

Những lúc trái gió, trở trời, ốm đau thèm lắm một bàn tay đàn ông chăm sóc, không có; công việc nặng nhọc không một bờ vai vững chãi nào gánh giúp; vui, buồn không có người chia sẻ. “Không chồng khổ lắm, ban ngày công việc cuốn đi nhưng đêm nằm thổn thức không ngủ được nghĩ người ta có bạn có bè, còn mình đi sớm về khuya một mình, tủi thân, nước mắt cứ lăn hoài” nói rồi chị cười buồn, hai mắt đỏ hoe nhìn ra cánh đồng trước nhà có con cò đang lặn lội kiếm ăn.

 

Tiếng đứa con khóc gọi mẹ làm chị giật mình. Vừa dỗ con, chị vừa kể: Thằng nhỏ này ngoan lắm, từ khi có nó ngôi nhà bớt trống trải nhưng nuôi nó cũng vất vả lắm, hai mẹ con nương tựa nhau mà sống. Nhìn đứa con chơi đùa, ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc.

 

Để được làm mẹ, chị K đã phải sống khổ sở trước miệng tiếng người đời, ngay cả những người thân yêu nhất của chị cũng kịch liệt phản đối, chửi mắng, hắt hủi, xa lánh. Lúc bụng mang dạ chửa, chị bị một số bà vợ sinh một bề gái đa nghi, sợ chị giật mất chồng đánh bầm dập. Chị cắn răng chịu đựng, bởi chị cần lắm một đứa con. Cái xóm nhỏ của chị chỉ hơn 100 nóc nhà mà có tới 4 người đàn bà không chồng, lẻ loi như những cái bóng.

 

Có chồng cũng…khổ!

 

Những người đàn bà không chồng thì ao ước có một tấm chồng, dù không thể trông cậy hoặc dựa dẫm, thậm chí phải nuôi báo cô cả đời, còn những người đàn bà có chồng mà như “gông đeo cổ”, bị chồng chửi bới, đánh đập, bạo hành thường xuyên lại thốt lên đầy chua xót “thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”. 

 

Đang ở cái tuổi “quá lứa, lỡ thì”, cô thôn nữ P. T. C mừng rỡ khi có người đàn ông thành thị đã một đời vợ tới cầu hôn. Ngày chị C lên xe hoa về nhà chồng ở phường Bồ Xuyên (T.p Thái Bình) cả làng đến chúc mừng. Hạnh phúc thoáng qua mau vì anh chồng chính là một con sâu rượu có hạng, vũ phu đánh vợ không ghê tay.

 

Hết lần này đến lần khác, chị phải nghĩ cách nói dối mọi người về những vết bầm dập, thâm tím khắp người khi ra đường hay về thăm quê. Đã thế anh chồng còn mắc bệnh hay ghen, chỉ cần nhìn thấy người đàn ông trẻ trung nào ngồi uống chè đá ở quán nước của vợ là hôm đó chị bị anh đánh cho một trận “hồn bay phách lạc”. Chị C thở dài: Khổ đến thế là cùng, đã không công ăn việc làm, một cắc bạc trong túi cũng không còn uống rượu như nước, vợ bán được đồng nào là đòi bằng hết, nhiều hôm phải ăn cơm nước mắm.

 

Người ta bảo lấy chồng là được nhờ chồng, vậy mà cả hai lần bị tai biến mạch máu não nằm trong bệnh viện giành giật sự sống hàng mấy tháng trời, chị C chẳng nhờ cậy được gì từ chồng. Tiền viện phí, tiền thuốc thang chữa bệnh, lo cơm nước… đều do bà con hai bên họ hàng giúp đỡ.

 

Tai biến làm chị liệt nửa người nên việc đi lại đã rất khó khăn, vất vả, hàng ngày chị C vẫn phải tính toán chi tiêu trong số tiền ít ỏi từ tiền trợ cấp hộ nghèo và người thân chu cấp để đi chợ và nấu cơm, anh chồng đã không giúp vợ còn nẩy nòi thêm tật gặp ai cũng xin tiền uống rượu, không xin được là chửi bới lung tung khiến chị xấu hổ với bà con, lối phố vô cùng. Chị C chua chát nói “Tưởng lấy được chồng hóa ra lấy phải nợ, đến đứa con- niềm an ủi, chỗ bấu víu cuối cùng cũng không thể sinh, biết thế này thà ở vậy còn hơn”. Anh chồng vì rượu chè nhiều, lao lực nên không thể sinh con. Cả cuộc đời của chị C như một lời ru buồn, niềm vui thì ít mà xót xa thì nhiều.

 

Cả cuộc đời bà N. T. M (Hưng Hà) đắm chìm trong đau khổ. Lấy phải đệ tử lưu linh, không công ăn việc làm, đẻ hẳn 5 vịt giời, đến lúc có bầu đứa con trai thì bị chồng đánh đập dã man, đứng hẳn lên bụng giận khiến đứa bé phải ra đi sớm. Bà hận ông chồng ăn bám, vũ phu thấu xương nhưng không bỏ được.

 

Hàng ngày bà làm đủ thứ nghề “thượng vàng, hạ cám” kiếm tiền nuôi 6 cái "tầu há mồm". Con cái lớn lên đã chẳng được nhờ còn phải nuôi 3 đứa cháu do hai đứa con nghiện ngập đẻ ra. Thi thoảng chúng mới về nhưng không phải để thăm mẹ, thăm con mà để khuân đồ. Còn gì đau buồn hơn mỗi lần thấy con về là bà ba chân, bốn cẳng chạy thục mạng về trông đồ. Căn nhà trống hơ, trống hoắc thì có gì để chúng lấy? Người đàn bà hom hem, tàn tạ đến thảm hại gạt hai hàng nước mắt, mếu máo: từ cái nồi sứt mẻ đến con chó, con mèo, cái quần áo tôi còng lưng làm thuê dành dụm mua cho cháu mặc đi học… chúng vơ vét hết.

 

Tôi chưa đi hết “hang cùng, ngõ hẻm”, nhưng nơi nào tôi đã từng đến đều thấy thấp thoáng bóng dáng những người đàn bà “Không chồng thì thiếu, có chồng như không”, sớm hôm lủi thủi một mình vào, ra hoặc sống cảnh chịu đựng các đức ông chồng vũ phu, bạo lực đọa đầy thể xác, tinh thần. Chỉ mong sao những người phụ nữ ấy sớm tìm thấy hạnh phúc trong chính gia đình nhỏ của mình.

 

Đỗ Hiền

  • Từ khóa