Thứ 3, 26/11/2024, 10:48[GMT+7]

Hội Người mù tỉnh - Bước tiến sau một nhiệm kỳ

Thứ 5, 26/10/2017 | 08:40:01
1,421 lượt xem
Nâng cao dân trí, dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ vay vốn sản xuất, phát triển kinh kế góp phần nâng cao đời sống người khiếm thị, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 19% là những kết quả nổi bật của Hội Người mù tỉnh nhiệm kỳ 2013 - 2017. Hội đã trở thành chỗ dựa tinh thần giúp nhiều hội viên xóa đi mặc cảm khiếm khuyết, tìm lại ánh sáng cuộc đời.

Cơ sở sản xuất tăm tre của Hội Người mù thành phố Thái Bình.

Với mục tiêu phát triển tổ chức theo chiều sâu, hướng về cơ sở để hoạt động ngày càng tốt hơn, nhiệm kỳ 2013 - 2017, Hội Người mù tỉnh chú trọng việc thành lập hội xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 235 chi hội xã, phường, thị trấn được thành lập với tổng số 2.540 hội viên. Việc thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, sinh hoạt tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức thăm hỏi, động viên hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn đã nâng cao vai trò, vị trí của các chi hội cơ sở. Các chi hội đã trở thành cầu nối giữa người khiếm thị với các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; là cánh tay nối dài để Hội Người mù tỉnh quan tâm hơn nữa đến đời sống hội viên. Trong nhiệm kỳ 2013 - 2017, các chi hội đã đề nghị xét giải quyết hưởng trợ cấp thường xuyên đối với người khuyết tật cho 2.025 người khiếm thị giúp cuộc sống của họ phần nào vơi bớt khó khăn.

Đối với người khiếm thị, việc dạy nghề, tạo việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên là một trong những giải pháp được các cấp hội chú trọng thực hiện. Trong nhiệm kỳ, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh đã tổ chức 28 lớp dạy tin học, tẩm quất và sản xuất các sản phẩm thủ công cho 584 lượt người. Các cấp hội hỗ trợ hội viên vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Đến năm 2017, toàn tỉnh đã có 738 lượt người khiếm thị được vay vốn với số tiền quay vòng trên 4,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã đầu tư mở rộng sản xuất cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề thủ công và làm dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống như các ông Trần Thăng Mẫn, xã Điệp Nông (Hưng Hà); Nguyễn Văn Nam, xã Hòa Bình (Kiến Xương); Phạm Văn Quyết, xã Nam Thịnh (Tiền Hải); Nguyễn Văn An, xã Phú Lương (Đông Hưng).

Song hành cùng hội viên phát triển kinh tế, việc duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở sản xuất và dịch vụ tẩm quất được thực hiện hiệu quả. Các cơ sở sản xuất tăm tre tại các cấp hội đã sản xuất và tiêu thụ được 3,6 triệu gói tăm, tạo việc làm cho 807 lao động. Một số cơ sở hội đã chủ động tìm nguồn hàng mới để sản xuất như đan làn, làm hương… khi việc sản xuất chổi đót gặp khó khăn. Nhờ đó, tổng doanh thu từ các cơ sở sản xuất đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với nhiệm kỳ 2008 - 2013.

Bên cạnh các cơ sở sản xuất, các cấp hội đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ tẩm quất bởi đây được coi là sinh kế của người khiếm thị. Trong nhiệm kỳ, dịch vụ tẩm quất đã mang lại cho cơ sở Hội Người mù tỉnh và các huyện, thành phố tổng doanh thu 17,5 tỷ đồng.

Chăm lo đời sống tinh thần và nâng cao dân trí cho hội viên, quyết tâm không để trẻ em khiếm thị trong độ tuổi đi học không được đến trường, các cấp hội thường xuyên rà soát, nắm bắt số lượng trẻ khiếm thị tại các địa phương có nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức để tham gia học các lớp tiền hòa nhập. Sau khóa đào tạo chữ nổi Braille, kỹ năng giao tiếp, định hướng di chuyển tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, học sinh khiếm thị được theo học tại các lớp hòa nhập như học sinh sáng mắt. Khi hoàn thành chương trình học bậc THCS, THPT, nếu các em không đủ điều kiện, khả năng theo học, Hội Người mù tỉnh sẽ sắp xếp học nghề tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Với những hội viên lớn tuổi, Hội vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng hàng nghìn cuốn truyện, sách nói, tạp chí, đĩa trang bị sách, báo để họ có thể tiếp cận thêm thông tin. Quan tâm, chăm sóc những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ xây mới, sửa chữa 17 nhà tình thương; trao tặng 34.776 suất quà cho hội viên với tổng trị giá trên 5,4 tỷ đồng.

Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2013 - 2017 có nhiều bước phát triển mới cả về hệ thống tổ chức, công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay lẫn chăm sóc đời sống và nâng cao dân trí cho hội viên. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 23,8% xuống còn hơn 19%. Có được kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng, xã hội và nỗ lực vươn lên của mỗi cán bộ, hội viên. Nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Hội, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người khiếm thị, thời gian tới, cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức từ tỉnh tới cơ sở, Hội Người mù tỉnh sẽ xây dựng các chương trình hành động về dạy nghề, tạo việc làm. Cụ thể, các cấp hội sẽ tập trung đào tạo tin học, tẩm quất, công tác xã hội cho người khiếm thị, bảo đảm sau khi hoàn thành khóa học sẽ có việc làm, thu nhập; duy trì sản xuất tăm tre, chổi đót, mạnh dạn tìm kiếm, mở rộng các mặt hàng mới phù hợp thị trường và khả năng của người khiếm thị. Các cơ sở sản xuất ở các huyện, thành phố phấn đấu đạt tổng doanh thu từ 1,8 - 2 tỷ đồng/năm, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ tẩm quất, xây dựng phong cách phục vụ, đáp ứng yêu cầu thị trường. Với mục tiêu tăng cao số người khiếm thị được tiếp cận vốn vay, bảo đảm mức vay từ 10 triệu đồng/người và hướng tới những người có nhu cầu vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, chọn lọc đối tượng, phấn đấu cho hơn 500 lượt người được vay vốn/năm. Ngoài ra, Hội sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nguồn lực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần để cuộc sống của người mù vơi bớt khó khăn.

Con đường phía trước dẫu còn gian nan song hy vọng hoạt động của các cấp hội sẽ góp phần chăm sóc và bảo vệ những người không may mắn bị mất đi ánh sáng, mang đến cho họ một cuộc sống ý nghĩa, một tương lai tươi đẹp hơn.



Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Đông Hưng

Nhiệm kỳ 2013 - 2017, thông qua quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Hội Người mù huyện Đông Hưng đã hỗ trợ 80 lượt người khiếm thị vay vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền quay vòng 270 triệu đồng. Sau khi vay vốn, hầu hết người khiếm thị sử dụng đúng mục đích, hoàn trả đúng thời hạn, không nợ đọng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã thoát nghèo. Nếu như nhiệm kỳ trước tỷ lệ hộ hội viên nghèo còn khoảng 50% thì trong nhiệm kỳ này giảm còn 15,4%. Tuy nhiên, hiện nay, số vốn vay còn thấp so với nhu cầu của người khiếm thị. Vì thế, mong muốn của hội viên là có thêm những chính sách bổ sung nguồn vốn vay giúp họ phát triển kinh tế.

Ông Lại Hồng Điều, thôn Phú Lễ, xã Tự Tân (Vũ Thư)

Năm 1997, tai nạn khiến tôi bị teo dây thần kinh thị lực, không nhìn thấy ánh sáng. Cuộc sống khó khăn khi 5 nhân khẩu chỉ trông vào thu nhập từ hơn một mẫu ruộng. Năm 2010, nhờ có chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Hội Người mù Việt Nam, tôi được hỗ trợ cho vay 5 triệu đồng, lãi suất thấp. Có vốn vay, tôi đầu tư mua bò, lợn, gà về nuôi. Mỗi năm, trừ chi phí, thu nhập từ chăn nuôi cũng giúp gia đình có thêm khoảng 40 triệu đồng, kết hợp với trồng trọt, cuộc sống đã vơi bớt khó khăn. Tôi đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng khang trang, nuôi 3 con trưởng thành. Nguồn vốn đã mở ra cơ hội giúp người khiếm thị chúng tôi có việc làm, thu nhập. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục vay vốn phát triển kinh tế gia đình.


Chị Nguyễn Hoài Thương, giáo viên Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh

Đến với học sinh bằng tình thương, sự kiên trì và trách nhiệm, 14 năm qua, tôi luôn cố gắng truyền đạt kiến thức, kỹ năng để các em có thể tự tin hòa nhập cuộc sống. Bản thân là người khiếm thị, dù biết rằng quá trình giảng dạy cho các em sẽ gặp nhiều khó khăn bởi độ tuổi, sự hiểu biết, nhận thức của mỗi em là khác nhau song quyết tâm không để học sinh khiếm thị bị mù lần thứ hai, tôi sẽ cố gắng giúp các em biết đọc, viết chữ nổi, định hướng di chuyển, kỹ năng giao tiếp ngay từ lớp tiền hòa nhập. Bởi tôi nghĩ rằng đây sẽ là bước đệm quan trọng để các em tiếp cận chân trời tri thức.


Em Nguyễn Khánh Chi, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình)

7 năm ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh, em được học chữ nổi, cách định hướng di chuyển và hỗ trợ ăn, ở. Sau khi hoàn thành chương trình ở lớp tiền hòa nhập, em được tạo điều kiện học tập tại lớp hòa nhập với các bạn sáng mắt. Hiện em đang theo học chương trình lớp 7. Được đến trường là niềm vui lớn đối với em, vì thế, dù khiếm khuyết về đôi mắt, không nhìn thấy giấy trắng, bảng đen song em sẽ tiếp tục học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ.


Hoàng Lanh