Thứ 3, 26/11/2024, 13:27[GMT+7]

Tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin (Kỳ 2)

Thứ 4, 15/11/2017 | 09:48:57
1,317 lượt xem
Bên cạnh những lợi ích tích cực, thì thông tin trên internet, MXH được ví như “con dao 2 lưỡi” chứa nhiều hiểm họa khó lường nếu người sử dụng không đúng mục đích và lợi dụng nó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Học sinh, sinh viên ngày càng dành nhiều thời gian cho internet và mạng xã hội.

Kỳ II: Thông tin trên Internet và mạng xã hội "con dao 2 lưỡi"

Lợi dụng internet để chống phá Đảng, Nhà nước ta 

Tại hội nghị tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng thông tin trên internet”, đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định: Các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng mạng internet để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chúng sử dụng các thủ đoạn tinh vi như: núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền và lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng để lập ra các “hội”, “nhóm” giả hiệu, mị dân và sử dụng mạng internet để lôi kéo người khác tham gia; đồng thời truyền bá những quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, khuyếch trương những khó khăn, khuyết điểm, tồn tại nhằm mục đích gây rối, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa phương, đơn vị; vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu lãnh đạo các cấp trong tổ chức của Đảng, Nhà nước nhằm tạo sự hoài nghi, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và điều hành của các cấp chính quyền. Chúng đẩy mạnh các hành động “xâm lăng văn hóa” thông qua các kênh chiếu phim, các chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí để truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực… trái với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam, nhằm lôi kéo, tha hóa (nhất là giới trẻ) xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa, phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống… thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. 

Đại tá Phạm Đình Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu tán phát vào tỉnh những tài liệu chiến tranh tâm lý, thư ngỏ, mê tín dị đoan… tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, gây chia rẽ nội bộ, tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân. Tổ chức phản động Việt Tân tuyên truyền, vận động đối tượng chống đối chính trị tham gia tự ứng cử nhằm phá hoại bầu cử và khuyếch trương thanh thế; tích cực phát triển “cơ sở nội địa”, kích động tụ tập “biểu tình quy mô lớn”. Các thế lực thù địch triệt để sử dụng internet lập các diễn đàn để tuyên truyền, xuyên tạc, hội luận và cả “đề cử”, “bầu cử” qua mạng chọn các chức danh chủ chốt của các hội, nhóm; thường xuyên có quan hệ với đối tượng trong và ngoài nước để tuyên truyền về các quan điểm đa nguyên, đa đảng, tạo ra khuynh hướng dân chủ theo phương tây. Tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” sử dụng không gian mạng để móc nối, phát triển lực lượng chủ yếu là thế hệ trẻ có nhận thức chính trị kém, chỉ đạo các hoạt động tán phát tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời hướng dẫn chế tạo ra các loại phương tiện để tiến hành khủng bố, phá hoại. 

Trên địa bàn tỉnh, một số trí thức, văn nghệ sĩ do thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không tuân thủ các quy định của cơ quan, đơn vị dẫn đến có hành động tự phát tham gia vào các diễn đàn “xã hội dân sự”; ủng hộ bản góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của nhóm “kiến nghị 72”; lập blog đăng tải, viết bài có nội dung chính trị phức tạp công khai bộc lộ hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. 

Tình hình an ninh mạng gần đây cũng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hoạt động tấn công vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chiếm quyền điều khiển để đánh cắp thông tin, tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Điển hình là vào ngày 3/8/2016, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh bị một địa chỉ IP truy xuất bất thường với lưu lượng lớn, tuy chưa ghi nhận đánh cắp dữ liệu nhưng đã gây tắc nghẽn đường tuyến. 

Những hệ lụy 

Theo đồng chí Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Mặt trái của internet và MXH ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Hệ lụy là lối sống ảo, nghiện internet, nghiện chơi game trực tuyến, bạo lực học đường gia tăng trong giới trẻ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, cá biệt đem lại những suy nghĩ lệch lạc, không chỉ gây ra những hậu quả và hệ lụy khôn lường ngay với chính bản thân các em học sinh, sinh viên, thanh niên mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. 

Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia chia sẻ, bình luận những thông tin chưa biết rõ đúng, sai, thông tin chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; thậm chí còn cố ý hoặc tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin và hình ảnh cho một số trang MXH, tạo dư luận trái chiều, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới tư tưởng, đạo đức, lối sống và một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tỉnh. 

Tình trạng đăng tải bài viết với nội dung không đúng sự thật, suy diễn một chiều, không kiểm chứng liên quan đến hoạt động của cán bộ, cơ quan, doanh nghiệp, dự án đã gây dư luận xấu; thậm chí còn có một số đối tượng đăng các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cán bộ, đảng viên. 

Điển hình là vào đầu tháng 5/2016, trong lúc dư luận xã hội đang xôn xao về hiện tượng cá chết tại miền Trung thì trên website thaibinhplus. vn đăng tin, ảnh với nội dung cá chết tại biển cồn Vành (Tiền Hải), gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Ngay lập tức, các đoàn công tác của tỉnh, huyện Tiền Hải phải trực tiếp xuống kiểm tra, kết quả cho thấy tại biển cồn Vành không hề xảy ra hiện tượng cá chết như thông tin trên website thaibinhplus. vn đưa. 

Xác định đây là vụ việc đưa tin bịa đặt gây thông tin nguy hiểm cho xã hội, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng An ninh điều tra phối hợp với các phòng, ban chức năng điều tra làm rõ đối tượng tung tin bịa đặt vụ việc trên là Bùi Đức Hải, sinh năm 1994, quê quán thôn Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Qua đấu tranh, Bùi Đức Hải khai nhận mình chính là chủ trang website thaibinhplus. vn và đưa những thông tin bịa đặt nêu trên chỉ nhằm mục đích thu hút người cập nhật vào trang web thaibinhplus.vn của mình. 

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Nếu thông tin bịa đặt về hiện tượng cá chết ở cồn Vành không được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn tác động xấu đến môi trường du lịch, hoạt động khai thác chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh, mất an ninh trật tự ở địa phương. Trên MXH hàng ngày có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; đặc biệt có nhiều thông tin sai trái, độc hại, tính chất tội phạm, lừa đảo, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính những thông tin xấu, độc hại và không chính thống, thiếu chọn lọc, khó xác định nguồn ấy sẽ làm lung lay nhân tâm, gây mất đoàn kết, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta, đây chính là yếu tố các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng, là nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm phương hại đến an ninh quốc gia. MXH cũng đã làm thay đổi xã hội, làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình, các thành viên ở gần nhau nhưng lại ít khi trò chuyện, trao đổi với nhau mà lại liên kết với xã hội, với thế giới bên ngoài thông qua mạng ảo và nó ảnh hưởng, tổn hại đến giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. 

Những hạn chế này chính là thách thức đặt ra đòi hỏi cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng thông tin trên internet và MXH. 

(còn nữa) 

Nguyễn Hình