Thứ 2, 25/11/2024, 01:27[GMT+7]

Những người “Cõng kháng sinh tấn công vào ổ nhiễm”

Thứ 4, 20/07/2011 | 15:59:19
1,463 lượt xem
Đó là cách Bộ trưởng Bộ Y tế nói về công việc của những đồng đẳng viên tại các câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS. Họ là những người thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc đang mang trong mình virut HIV. Song bằng chính những trải nghiệm trong cuộc sống, họ sẽ tiếp cận những người đồng cảnh để thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV/AIDS.

Giao lưu Thắp sáng ước mơ trẻ em bị ảnh hưởng bởi AIDS

Chị Nguyễn Thị Lựu, chủ nhiệm câu lạc bộ Bình Minh Xanh cho biết câu lạc bộ của chị tập hợp những người nhiễm HIV/AIDS tại các xã Vũ Tây, Vũ Sơn và một số xã lân cận khác huyện Kiến Xương. Công việc của thành viên câu lạc bộ là tiếp cận, tư vấn cho đối tượng nguy cơ cao về việc dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, vận động họ đi xét nghiệm tự nguyện, tư vấn cho người nhiễm và gia đình họ về cách chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và đề phòng lây nhiễm cho người xung quanh, tư vấn cho họ đến cơ sở khám chữa bệnh khi mắc các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội, tìm hiểu về điều trị ARV và cả việc giúp đỡ gia đình người nhiễm khi họ qua đời…

Tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ Hương Lúa - Thái Bình

Ngày nối ngày, tháng nối tháng…, thế mà câu lạc bộ của chị thành lập đã được gần 4 năm. Nhiều việc đã làm, nhiều kỷ niệm để nhớ. Chị cho biết hồi đầu khi chị mới công khai mình bị nhiễm HIV/AIDS và đứng lên thành lập câu lạc bộ, mọi việc rất khó khăn, chị phải nhận sự xa lánh, kỳ thị, dè bỉu của nhiều người xung quanh. Nhưng chính bởi họat động từ câu lạc bộ của chị mà bây giờ mọi việc đã rất ổn, cuộc sống của chị đã trở lại bình thường như cuộc sống của tất cả mọi người. Riêng chị, chị thấy nó có ý nghĩa hơn  nhiều vì các thành viên trong câu lạc bộ của chị từ chỗ không biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình, không biết thế nào là ARV, nay họ không những biết thông tỏ mà còn có khả năng tư vấn cho những người cùng cảnh và tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. 

Một buổi tập diễn chèo của Câu lạc bộ Hương Lúa - Thái Bình

Khác với chị Lựu, chị Trần Thị Minh Hoà là chủ nhiệm câu lạc bộ sức khoẻ phụ nữ. Đây là câu lạc bộ hướng đến nhóm chị em phụ nữ làm nghề nhạy cảm. Tiếp cận, cung cấp kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, tổ chức khám phụ khoa định kỳ, tư vấn về phòng lây nhiễm HIV/AIDS, xét nghiệm HIV/AIDS cho chị em là các hoạt động chủ yếu của câu lạc bộ… Đây là công việc cực kỳ khó khăn bởi chẳng có cô gái nào dám nhận mình là gái bán hoa. Song trên thực tế, đối tượng này lại núp dưới nhiều danh nghĩa từ tiếp viên nhà hàng, công nhân đến sinh viên…

Vì vậy, phải rất khéo léo, tế nhị và thực sự chân thành, các chị mới xác định đúng đối tượng, tiếp cận, lôi kéo họ đến và tham gia vào các hoạt động của câu lạc bộ. Sự thấu hiểu đã giúp các chị hiểu, những cô gái làm nghề này cũng có nhiều nỗi khổ, nhiều người vẫn phải mang con nhỏ khi "đi làm". Chính vì vậy, có lần chị đã thành người trông trẻ ngay dưới phòng chờ của nhà nghỉ để chờ tiếp cận với một gái mại dâm khi cô này đang phải để con dưới phòng chờ để tiếp khách. Đó là những câu chuyện vừa buồn, vừa chua xót mà các chị vẫn gặp. Vì vậy, với các chị, việc tiếp cận với nhóm chị em phụ nữ làm nghề này để thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại không khác gì việc cõng kháng sinh leo lên những con đèo dốc.

Anh Trần Văn T là thành viên trong câu lạc bộ những người nghiện chích ma tuý tại Quỳnh Phụ. Cũng như chị Lựu, chị Hoà, công việc chủ yếu của anh là tiếp cận, tư vấn nhằm thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại nhưng đối tượng mà câu lạc bộ của anh hướng tới là những người nghiện chích ma tuý. Thành viên câu lạc bộ thực hiện những công việc cụ thể như phân phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn của người nghiện chích trên địa bàn, vận động họ đi xét nghiệm HIV, thực hiện các hoạt động phòng lây nhiễm HIV như quan hệ tình dục có bảo vệ, không dùng chung bơm kim tiêm…

Việc tiếp cận với nhóm nghiện chích ma tuý cũng có nhiều khó khăn bởi những người nghiện chích là những người có nhiều mặc cảm, họ sống trong tâm trạng không còn gì để mất nên tiếp cận với nhóm này phải vừa khéo léo vừa bản lĩnh mới làm được. Với ý chí và nghị lực, được sự động viên của đội ngũ chủ nhiệm câu lạc bộ, câu lạc bộ của anh cũng hoạt động khá hiệu quả đã được hơn 4 năm.

Theo báo cáo từ các địa phương, hiện tại, hoạt động can thiệp giảm tác hại dành cho nhóm nghiện chích ma tuý đang triển khai tại 4 huyện Đông Hưng, Thành phố, Hưng Hà, Quỳnh Phụ với 12 cộng tác viên là chính những người nghiện chích ma tuý. 4 câu lạc bộ này đã thu hút được trên 2000 người nghiện chích ma tuý trên địa bàn đến sinh hoạt, tìm hiểu kiến thức và trao đổi bơm kim tiêm, hàng tháng số bơm kim tiêm bẩn thu về đạt 83,5%.

Còn câu lạc bộ sức khỏe phụ nữ tập hợp 15 giáo dục viên là nhân viên nhà hàng, khách sạn. Chỉ 5 tháng đầu năm nay, câu lạc bộ đã tiếp cận được 1466 đối tượng nhân viên nhà hàng khách sạn, trong đó có hơn 100 chị em tiếp cận lần đầu, tuyên truyền cho trên 2000 lượt chị em. Đến hết tháng 5, câu lạc bộ đã tổ chức 22 buổi khám cho gần 200 người, trong đó 169 trường hợp mắc bệnh đã được điều trị.

Các câu lạc bộ của những người nhiễm HIV/AIDS khác trong tỉnh với hàng nghìn người nhiễm HIV/AIDS tham gia sinh hoạt cũng đang hoạt động hiệu quả. Tới nay, gần 100% thành viên các câu lạc bộ đến với các phòng khám ngoại trú, tích cực điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, gần 1000 người nhiễm đang điều trị ARV, sức khoẻ và tinh thần được cải thiện so với thời gian trước. "Cõng kháng sinh tấn công vào ổ nhiễm", công việc vất vả nhưng những con người đang làm công việc thầm lặng này vẫn miệt mài theo đuổi với mong muốn các ổ nhiễm sớm bị loại trừ.

       Trần Thu Hương

  • Từ khóa