Thứ 2, 25/11/2024, 00:57[GMT+7]

Đời sống công nhân lao động thời "bão giá"

Thứ 5, 25/08/2011 | 11:09:27
2,202 lượt xem
Tình trạng tăng giá của nhiều mặt hàng như: thực phẩm, xăng dầu, điện… trong khi với mức thu nhập từ 1,7- 2 triệu đồng/người/tháng đã khiến hàng nghìn công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đồng lương ít ỏi khiến họ đang phải gồng mình, đánh vật với sự tằn tiện trong thời kỳ “bão giá”.

Dây chuyền may của Xí nghiệp Hoàng Anh (Quỳnh Phụ)

Đến khu nhà trọ công nhân ven khu Công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh tại thời điểm cơn “bão giá” đang tiếp tục phi mã, tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật của công nhân, lao động, chúng tôi mới hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả mà họ đang phải đối mặt hàng ngày, phải “thắt lưng, buộc bụng”, chi tiêu tiết kiệm đến mức có thể. Ngoài nhu cầu thiết yếu như: ăn, ở, đi lại... họ không dám mơ tưởng đến những nhu cầu giải trí, mua sắm cho bản thân.

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Dệt sợi Đam San, quê Tiền Hải cho biết: Mỗi tháng tiền lương của chị được 2 triệu đồng. Trước đây, trừ những khoản chi tiêu chính như: tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, mỗi tháng cũng tiết kiệm gần 1 triệu gửi về quê cho bố mẹ nuôi em ăn học đại học nhưng nay tiền nhà “đội” lên 100 nghìn đồng nữa, cộng thêm giá cả các mặt hàng tăng nên, số tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu cá nhân, không để dành gửi về cho bố mẹ được.

Khu nhà trọ truyền thống của công nhân giống hệt nhau vì cùng chung cảnh nghèo. Các dãy nhà lợp ngói Proxi măng tuềnh toàng, trống hoác và thiếu hơi thở cuộc sống san sát nhau chật chội, bức bối. Trong những dãy nhà như thế có cảm giác nhiều buổi chiều qua chóng vánh hơn. Căn phòng trọ rộng chưa đầy 10 m2 ở thôn Đại La 2 xã Phú Xuân (Thành phố) của 3 công nhân công ty TNHH TAV chẳng có gì ngoài chiếc giường đôi. Chị Hà Thị Loan cùng các bạn trọ đang chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc với đĩa rau muống luộc và 1 đĩa đậu phụ sốt cà chua. Đó là món ăn hàng ngày của họ bởi mỗi tháng với đồng lương 1,8 triệu đồng, nào là tiền thuê nhà, tiền điện nước, ăn, điện thoại... họ không tiết kiệm mới là chuyện “lạ”. 

Sáng ngày 14/7 vừa qua, 2.000 công nhân của công ty may TNHH Ivory, 100% vốn Hàn Quốc, ở thị trấn Vũ Thư đã tổ chức đình công với mong muốn được tăng lương cơ bản, phụ cấp tiền xăng xe. Anh Trần Văn Tuân, người gắn bó với công ty từ những ngày đầu bức xúc cho biết: 2 năm nay, công ty không hề tăng lương, tổng thu nhập đạt 1,8 triệu đồng. Công nhân nghỉ một ngày sẽ bị trừ tiền chuyên cần, đi chậm 1 phút cũng bị phạt. Công ty không trả tiền thâm niên, xăng xe, ăn ca không bảo đảm. Gia đình tôi ở gần không phải thuê nhà trọ, đi lại thuận tiện còn đỡ khổ. Đối với những công nhân mới vào làm vài tháng hoặc hơn năm nhà ở xa khiến họ phải gồng mình vật lộn mưu sinh.

Không chỉ đối mặt với khó khăn về tiền lương, chỗ ăn ở, CNLĐ làm việc ở nhiều doanh nghiệp còn thiếu cả nguồn dinh dưỡng cần thiết để tái tạo sức lao động. Trong các cuộc đình công của công nhân ở nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm nay, nhiều công nhân đã đưa ra công thức đó là: “sáng thiếu- trưa thèm- tối tăng ca”, tức là: sáng ăn 1.000 đồng xôi, trưa ăn cơm với rau, tối tranh thủ tăng ca để được ăn thêm bữa ăn giữa ca. Tình trạng 3 cao “cường độ, thời gian, môi trường” và 3 thấp “lương, đời sống vật chất, nhà ở” đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp.

Mức thu nhập của CNLĐ quá thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống bình thường, dẫn đến tình trạng đình công, ngừng việc tập thể ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 5 cuộc đình công thì từ đầu năm đến nay đã có 7 cuộc ngừng việc tập thể, thời gian từ 01- 04 ngày, trung bình 10 kiến nghị của CNLĐ/vụ ngừng việc, chủ yếu về thời gian làm việc, chế độ ăn ca, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ xăng xe, nhà trọ, tiền chuyên cần, BHXH, BHYT, BHTN... Kết quả giải quyết sau mỗi cuộc ngừng việc tập thể, quyền lợi của CNLĐ đều tăng, có từ 95- 98% các kiến nghị của CNLĐ được chủ sử dụng lao động chấp thuận.

Nhưng vẫn còn đó, rất nhiều doanh nghiệp đang gánh cùng gánh nặng cơm áo gạo tiền với CNLĐ. Đến thăm xí nghiệp may Hoàng Anh, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) thuộc Công ty CP XNK Thăng Long mới thấu hiểu sự “đồng cam chịu khổ”, “chia ngọt xẻ bùi” của nữ chủ doanh nghiệp nơi đây với người lao động. Với mức thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng. CNLĐ xa nhà từ 7 km được hỗ trợ tiền xăng xe, nhà trọ: 130.000 đồng/người/tháng đã và đang làm vơi bớt nỗi lo cơm áo hàng ngày của người lao động.

Chị Bùi Thị Thanh- bộ phận làm khóa chia sẻ: Em chuyển về công ty được hơn 1 năm nay. Trước đó, em làm tại công ty may Lanlan ở Thành phố với thu nhập 2,1 triệu đồng. Không chịu được cuộc sống đắt đỏ ở Thành phố em quyết định xin về làm việc ở gần nhà, tiện việc chăm sóc con cái. Hiện, thu nhập của em đạt 3,2 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập ổn định như thế này, em không có ý định chuyển công ty khác mà sẽ yên tâm gắn bó lâu dài tại công  ty.

Để bảo đảm cuộc sống trong “cơn sốt” giá cả, nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày của NLĐ đã phải thay đổi và đang bị xáo trộn. Do vậy, đứng trước áp lực này, không sớm thì muộn NLĐ cũng phải yêu cầu được tăng lương. Và để giữ chân NLĐ, nhất là những lao động có tay nghề cao, lao động chủ chốt, doanh nghiệp buộc phải tăng lương, tăng phúc lợi cho họ.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt
     

  • Từ khóa